Theo Luật Công an nhân dân năm 2018, công an xã sẽ được thay bằng công an chính quy theo lộ trình. Bộ Công an đang lên phương án chuyển công an xã không chính quy thành lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Theo thống kê tại dự thảo Tờ trình Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, hiện nay trên một xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau (dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách), cụ thể:
- Lực lượng bảo vệ dân phố: Đã thành lập được 1.882 ban bảo vệ dân phố, 15.656 tổ bảo vệ dân phố, với tổng số là 72.456 thành viên.
- Lực lượng dân phòng: Đã thành lập được 42.476 đội dân phòng với trên 543.095 đội viên.
- Lực lượng Công an xã: Toàn quốc có 126.084 Công an xã, thị trấn không phải là Công an chính quy đã kết thúc vụ Công an xã và tiếp tục tham bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã.
Tuy tên gọi khác nhau nhưng lại có chung nhiệm vụ, do đó, tại Điều 2 dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở lần 2, Bộ Công an dự kiến bố trí 03 lực lượng trên thành 01 lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chuyển công an xã không chính quy thành lực lượng bảo vệ cơ sở? (Ảnh minh họa)
Lực lượng này được bố trí ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Đáng chú ý, người hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ hàng tháng, được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Trường hợp nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc được nhận BHXH một lần.
Dự thảo đang được lấy ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an (hết hạn ngày 24/8/2020), dự kiến có hiệu lực vào năm 2022. Theo đó, công an xã không chính quy sẽ được chuyển thành lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.