Từ 01/7/2020, sẽ có nhiều giáo viên không phải học nâng chuẩn?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất nhiều điểm mới trong dự thảo lần 3 Nghị định quy định lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Điều chỉnh độ tuổi giáo viên phải đào tạo nâng chuẩn trình độ

Tại dự thảo lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đề xuất các đối tượng giáo viên sau phải thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo:

- Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên;

- Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên;

- Giáo viên THCS chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.

Tuy nhiên, so với dự thảo lần 2, dự thảo lần này đã điều chỉnh độ tuổi giáo viên phải thực hiện nâng chuẩn trình độ, cụ thể:

Dự thảo lần 2

Dự thảo lần 3

Tính từ ngày 01/7/2020, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS trừ thời gian đào tạo, còn đủ 05 năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu

Giáo viên mầm non: Còn đủ 07 năm công tác(tính từ ngày 01/7/2020) đến tuổi được nghỉ hưu

Giáo viên tiểu học:

  • Giáo viên có trình độ trung cấp: Còn đủ 08 năm công tác (tính từ ngày 01/7/2020) đến tuổi được nghỉ hưu
  • Giáo viên có trình độ cao đẳng: Còn đủ 07 năm công tác (tính từ ngày 01/7/2020) đến tuổi được nghỉ hưu

Giáo viên THCS: Còn đủ 07 năm công tác (tính từ ngày 01/7/2020) đến tuổi được nghỉ hưu

Theo đó, dự thảo lần 3 đã thay đổi độ tuổi giáo viên phải nâng trình độ chuẩn, tính từ ngày 01/7/2020 đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định, giáo viên mầm non phải còn đủ 07 năm công tác, giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp phải còn đủ 08 năm công tác, giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng và giáo viên trung học cơ sở phải còn đủ 07 năm công tác (thay vì còn 05 năm công tác như dự thảo 2).

Như vậy, những giáo viên chưa đủ chuẩn nhưng còn số năm công tác ít hơn thời gian nêu trên thì sẽ không phải thực hiện nâng trình độ chuẩn.

Thay đổi chỉ tiêu đào tạo đối với giáo viên từng cấp

Trước đây, tại dự thảo lần 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo một lộ trình chung từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030.

thay đổi trong lộ trình nâng chuẩn giáo viên

Sẽ có nhiều thay đổi trong lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên? (Ảnh minh họa)

Tới dự thảo lần 3, tuy thời gian thực hiện nâng chuẩn đào tạo dự kiến đều bắt đầu từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030 nhưng Bộ đề xuất chỉ tiêu đào tạo riêng đối với giáo viên từng cấp học.

* Đối với giáo viên mầm non

Giai đoạn 1: Từ 01/7/2020 - hết 31/12/2025: Ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm;

Giai đoạn 2: Từ 01/01/2026 - hết 31/12/2030: Thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

* Đối với giáo viên tiểu học

Giai đoạn 1: Từ 01/7/2020 - hết 31/12/2025: Ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

Giai đoạn 2: Từ 01/01/2026 - hết 31/12/2030: Bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

* Đối với giáo viên THCS

Giai đoạn 1: Từ 01/7/2020 - hết 31/12/2025: Ít nhất 60% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

Giai đoạn 2: Từ 01/01/2026 - hết 31/12/2030: Bảo đảm 100% số giáo viên trung học cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

3 trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo

Ngoài 2 thay đổi trên đây, dự thảo lần này quy định rõ trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo tại Điều 11 (thay vì quy định chung chung như điểm c khoản 3 Điều 8 dự thảo lần 2). Theo đó,  Giáo viên được cử đi đào tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động trong thời gian đào tạo;
  • Không được cơ sở đào tạo cấp bằng tốt nghiệp;
  • Đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động khi chưa phục vụ đủ ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.

Dự thảo Nghị định về lộ trình nâng chuẩn đào tạo giáo viên lần 3 dự kiến có hiệu lực trong năm 2020 nếu được thông qua.

>> Từ 01/7/2020, cơ hội nào cho giáo viên có bằng trung cấp?

Hậu Nguyễn

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Tại dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định mới về tiêu chí, tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn. Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể.