Xuất nhập khẩu tại chỗ là gì? Hướng dẫn thủ tục hải quan

Trong xuất nhập khẩu, có một loại hình là xuất nhập khẩu tại chỗ. Vậy xuất nhập khẩu tại chỗ là gì? Loại hàng hóa nào được thực hiện xuất khẩu nhập khẩu tại chỗ? Thủ tục hải quan khi hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ được thực hiện như thế nào?

1. Xuất nhập khẩu tại chỗ là gì?

Xuất nhập khẩu tại chỗ là gì? (Ảnh minh họa)

Khác với xuất khẩu, nhập khẩu thông thường là việc đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ một quốc gia này đến quốc gia khác hoặc khu vực được coi là hải quan riêng, xuất nhập khẩu tại chỗ không có việc dịch chuyển của hàng hóa ra khỏi biên giới quốc gia và có bản chất là hoạt động mua bán trong nội địa.

Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm của xuất nhập khẩu tại chỗ. Tuy nhiên, có thể hiểu đây là một hình thức giao hàng tại chỗ, hàng được giao trên lãnh thổ quốc gia mà không xuất khẩu ra nước ngoài.

2. Hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu tại chỗ là gì?

Hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu tại chỗ (Ảnh minh họa)

Căn cứ khoản 1 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC có quy định hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ gồm 03 nhóm sau:

- Nhóm 1: Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị mượn hoặc thuê; nguyên liệu, vật tư dư thừa và phế liệu, phế phẩm theo hợp đồng gia công theo quy định của khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP;

- Nhóm 2: Hàng hóa được mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất hoặc doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

- Nhóm 3: Hàng hóa được mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (không có hiện diện tại Việt Nam) mà được thương nhân nước ngoài này chỉ định giao hoặc nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

3. Thủ tục hải quan với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

Căn cứ khoản 5 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 58 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC) có quy định trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ như sau:

- Người xuất khẩu có trách nhiệm:

+ Thứ nhất, phải thực hiện kê khai thông tin tại tờ khai hải quan xuất khẩu, khai vận chuyển kết hợp.

Cụ thể trong đó ghi rõ trong ô ''Điểm đích cho vận chuyển bảo thuế'' là mã địa điểm của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan nhập khẩu và tại ô tiêu chí ''Số quản lý nội bộ của doanh nghiệp'' trong tờ khai xuất khẩu phải kê khai như sau: #&XKTC hoặc có thể ghi tại ô ''Ghi chép khác'' trên tờ khai hải quan giấy;

+ Thứ hai, có trách nhiệm thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa theo đúng quy định;

+ Thứ ba, thực hiện thông báo khi đã hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu để người nhập khẩu thực hiện thủ tục nhập khẩu, cũng như giao hàng hóa cho người nhập khẩu;

+ Cuối cùng, tiếp nhận thông tin tờ khai nhập khẩu tại chỗ đã được hoàn thành thủ tục hải quan từ người nhập khẩu tại chỗ để thực hiện những thủ tục tiếp theo theo quy định.

- Người nhập khẩu có trách nhiệm:

+ Thực hiện kê khai thông tin trên khai hải quan nhập khẩu theo thời hạn quy định, trong đó phải ghi rõ về số tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ tương ứng tại ô ''Số quản lý nội bộ doanh nghiệp'' như sau: #&NKTC#&số tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ tương ứng hoặc ghi tại ô ''Ghi chép khác'' đối với tờ khai hải quan giấy;

+ Thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo đúng quy định;

+ Ngay sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ thì phải thông báo việc đã hoàn thành thủ tục đến người xuất khẩu tại chỗ để thực hiện các thủ tục tiếp theo;

+ Chỉ được đưa hàng hóa vào sản xuất hoặc tiêu thụ sau khi hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan.

- Cơ quan hải quan tại nơi làm thủ tục xuất khẩu có trách nhiệm:

+ Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định Chương II Thông tư 38/2015/TT-BTC

+ Theo dõi các tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ đã được hoàn thành thủ tục hải quan mà chưa thực hiện thủ tục nhập khẩu tại chỗ và thông báo đến Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục nhập khẩu để thực hiện việc quản lý, theo dõi và đôn đốc bên nhập khẩu hàng tại chỗ thực hiện thủ tục hải quan.

- Cơ quan hải quan tại nơi làm thủ tục nhập khẩu có trách nhiệm:

+ Tiếp nhận và kiểm tra theo kết quả phân luồng Hệ thống. Nếu phải kiểm tra thực tế hàng hóa mà hàng hóa đã được kiểm tra thực tế ở Chi cục Hải quan xuất khẩu thì Chi cục Hải quan tại nơi làm thủ tục nhập khẩu không cần kiểm tra thực tế hàng hóa;

+ Đối với hàng hóa được xuất nhập khẩu tại chỗ theo chỉ định từ thương nhân nước ngoài thì hàng tháng phải tổng hợp, lập danh sách tờ khai hải quan nhập khẩu tại chỗ đã được thông quan (mẫu số 01/TB- XNKTC/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC) để gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp các tổ chức, cá nhân nhập khẩu tại chỗ;

+ Phối hợp cùng với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu để thực hiện đôn đốc người nhập khẩu tại chỗ hoàn thành thủ tục hải quan.

Trên đây là thông tin liên quan đến việc xuất nhập khẩu tại chỗ.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thủ tục thành lập khu công nghệ cao [mới nhất]

Việc thành lập khu công nghệ cao không chỉ đóng vai trò trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập khu công nghệ cao.