Cơn sốt bitcoin đang diễn ra mạnh và chưa có dấu hiệu giảm. Quá trình phát hành, cung ứng và sử dụng loại tiền ảo này cũng xảy ra rất nhiều tranh chấp. Vậy những tranh chấp về bitcoin tại Việt Nam hiện nay được giải quyết như thế nào?
Bitcoin có phải là tài sản không?
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 về tài sản:
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Bitcoin không được coi là tài sản vì:
- Bitcoin không phải là tiền
Theo Điều 16, 17 Luật Ngân hàng nhà nước 2010 quy định về đơn vị tiền, bitcoin không được xem là đơn vị tiền của nhà nước Việt Nam.
Điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước quy định về ngoại tệ, bitcoin không được xem là ngoại tệ và cũng không phải là đối tượng của ngoại hối vì bitcoin không phải đồng tiền của bất cứ một quốc gia nào trên thế giới hiện nay.
Bitcoin không phải là đơn vị tiền của Việt Nam, cũng không phải là ngoại tệ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện tại không có định nghĩa cụ thể về khái niệm “tiền” (tiền là gì?, tiền bao gồm những đối tượng nào) theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015.
- Bitcoin không phải là vật
Vật được xem là một bộ phận của thế giới vật chất tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí và con người có thể chiếm hữu, kiểm soát được; ví dụ như nhà, xe, bàn ghế…Bitcoin không tồn tại dưới dạng này.
- Bitcoin không phải là giấy tờ có giá
Giấy tờ có giá phải do các chủ thể được phép phát hành. Giấy tờ có giá bao gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu, công trái.
- Bitcoin không phải là quyền tài sản
Theo Điều 115 Bộ Luật Dân sự 2015, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Bitcoin tồn tại dưới dạng đồng tiền ảo nên không thể coi là quyền tài sản được.
Một số dạng tranh chấp về bitcoin
Bitcoin mặc dù chưa được pháp luật xem là một loại tài sản nhưng thực tế những giao dịch liên quan đến bitcoin đã diễn ra rất nhiều. Thậm chí, việc mua bán bitcoin được giao kết đến bằng hợp đồng dân sự.
Thực tế các bên trong giao dịch xem bitcoin như một loại tiền (tài sản) nên trong quá trình mua bán có thể xảy ra những tranh chấp như:
- Tranh chấp về quyền sở hữu bitcoin;
- Tranh chấp về giá tiền và phương thức thanh toán để sở hữu bitcoin;
- Tranh chấp về lãi suất khi vay bitcoin;
Lưu ý: Những tranh chấp này có thể xảy ra giữa cá nhân với cá nhân hoặc giữa cá nhân và tổ chức mở sàn giao dịch bitcoin.
Tranh chấp liên quan đến bitcoin (Ảnh minh hoạ)
Tranh chấp về bitcoin giải quyết như thế nào?
Căn cứ Điều 26 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015, một số tranh chấp liên quan đến bitcoin có thể giải quyết tại Toà án như sau:
“2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.
6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
...”
Hiện nay, khung pháp lý về bitcoin chưa được ban hành, vì thế bitcoin không thể được coi là tài sản bởi vì chưa có quy định cụ thể cũng như các quy định khác liên quan để giải thích rõ. Vì vậy, Toà án sẽ không thụ lý những tranh chấp liên quan đến bitcoin mà người khởi kiện yêu cầu giải quyết dưới hình thức tranh chấp tài sản.
Đối với những tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự. Điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Tại Chỉ thị 10/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an…kiểm soát, ngăn chặn và xử lý việc thực hiện các giao dịch (bao gồm phát hành, giao dịch, môi giới) liên quan đến tiền ảo trái pháp luật.
Bộ luật hình sự 2015 cũng quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng tại Điều 206, trong đó có hành vi cung ứng, phát hành, sử dụng bitcoin.
Như vậy, giao dịch có đối tượng là bitcoin được xem là trái pháp luật và không được coi là giao dịch dân sự. Từ đó, Toà án không thể thụ lý những tranh chấp liên quan đến giao dịch dân sự mà có liên quan đến bitcoin.
Ngoài ra, nếu cá nhân, tổ chức có liên quan đến tranh chấp bitcoin mà báo ra cơ quan có thẩm quyền không những không được giải quyết mà còn có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Cụ thể:
Điểm d, khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về vi phạm quy định về hoạt động thanh toán, việc sử dụng bitcoin có thể bị xử phạt như sau:
“6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Đồng thời, tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng như sau:
"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;”
Như vậy, tranh chấp về bitcoin hiện nay sẽ không được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền do bitcoin không phải là một loại tài sản. Vì thế việc đầu tư bitcoin có thể mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nếu có thắc mắc các vấn đề pháp lý liên quan đến bitcoin, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.