Mã số thuế doanh nghiệp được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tuy nhiên, có thể tra cứu mã số thuế doanh nghiệp theo nhiều cách khác cực đơn giản.
- 1. Mã số thuế và mã số doanh nghiệp có giống nhau không?
- 2. Mã số thuế doanh nghiệp có bao nhiêu số?
- 3. Cách tra cứu mã số thuế doanh nghiệp đơn giản
- 3.1. Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- 3.2. Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
- 3.3. Cách tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên website Tổng cục Thuế
- 3.4. Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên trang Masothue
- 3.5. Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên trang tncnonline.com.vn
1. Mã số thuế và mã số doanh nghiệp có giống nhau không?
Theo Điều 29 Luật Doanh nghiệp 2020, mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp có một mã số duy nhất và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác.
Mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác.
Xem thêm: Mã số doanh nghiệp là gì và được sử dụng như thế nào?
Việc cấp mã số doanh nghiệp được thực hiện tự động theo phương thức điện tử trên Hệ thống đăng ký thuế của Tổng cục Thuế (khoản 1 Điều 2 Thông tư 127/2015/TT-BTC).
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Như vậy, mã số thuế của doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp chính là một, đây cũng là mã số đơn vị tham gia BHXH của doanh nghiệp đó.
Trường hợp các doanh nghiệp thành lập trước ngày 01/07/2015, có mã số doanh nghiệp và mã số thuế khác nhau không bắt buộc phải làm thủ tục thay đổi.
2. Mã số thuế doanh nghiệp có bao nhiêu số?
Mã số thuế doanh nghiệp gồm 10 chữ số, có cấu trúc như sau theo Điều 5 Thông tư 105/2020/TT-BTC:
N1N2N3N4N5N6N7N8N9N10
Trong đó:
- Hai chữ số đầu N1N2 là số phân khoảng của mã số thuế.
- Bảy chữ số N3N4N5N6N7N8N9 được quy định theo một cấu trúc xác định, tăng dần trong khoảng từ 0000001 đến 9999999.
- Chữ số N10 là chữ số kiểm tra.
Bên cạnh đó, mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, địa điểm kinh doanh) sẽ có mã số thuế gồm 13 chữ số.
Doanh nghiệp sử dụng mã số thuế được cấp để ghi vào hóa đơn, chứng từ, hợp đồng khi thực hiện giao dịch kinh doanh, các giao dịch thuế (kê khai, nộp thuế, hoàn thuế) và khi doanh nghiệp thực hiện mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tín dụng.
3. Cách tra cứu mã số thuế doanh nghiệp đơn giản
3.1. Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Đây là cách đơn giản nhất đối với các trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập sau ngày 01/7/2015.
Như đã đề cập bên trên mỗi công ty khi đăng ký thành lập sẽ được cấp mã số doanh nghiệp cũng chính là mã số thuế của doanh nghiệp, do vậy, chỉ cần xem mã số doanh nghiệp trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là có thể biết mã số thuế của doanh nghiệp mình.
3.2. Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn.
Bước 2: Nhập tên doanh nghiệp vào ô tìm kiếm ở góc trái trên cùng rồi click vào nút tìm kiếm
Bước 3: Sau khi ấn vào nút tìm kiếm, hệ thống sẽ đưa ra list các doanh nghiệp theo thứ tự có tên giống hoặc gần giống doanh nghiệp bạn cần tìm.
Bước 4: Nhấn chọn công ty cần tìm, hệ thống sẽ hiển thị các thông tin liên quan đến doanh nghiệp đó, bao gồm mã số doanh nghiệp cũng chính là mã số thuế của doanh nghiệp.
3.3. Cách tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên website Tổng cục Thuế
Bước 1: Truy cập website: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp
Bước 2: Chọn tab "Thông tin người nộp thuế" sau đó nhập 01 trong 04 thông tin sau (không cần điền đủ cả 04 trường thông tin)
Mã số thuế
Tên tổ chức cá nhân nộp thuế
Địa chỉ trụ sở kinh doanh
Số chứng minh thư hoặc Thẻ căn cước người đại diện
Bước 3: Nhập Mã xác nhận là dãy ký tự bên cạnh
Bước 4: Nhấn chọn "Tra cứu" và nhận kết quả là Bảng thông tin tra cứu
Người tra cứu đối chiếu và lựa chọn tên người nộp thuế là tên công ty phù hợp tương ứng với MST công ty của đơn vị đó. Như vậy là bạn đã hoàn thành tra cứu mã số thuế doanh nghiệp của một công ty trên website của Tổng Cục Thuế - Bộ Tài Chính.
3.4. Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên trang Masothue
Bước 1: Truy cập vào trang web Mã số thuế: https://masothue.com/
Bước 2: Nhập tên công ty
Bước 3: Nhận kết quả.
3.5. Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên trang tncnonline.com.vn
Bước 1: Truy cập vào địa chỉ https://tncnonline.com.vn/
Bước 2: Nhập tên công ty
Bước 3: Chọn Tra cứu
Bước 4: Nhận kết quả
3.6. Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên trang TracuuMST
Bước 1: Truy cập vào trang: https://tracuumst.com/
Bước 2: Nhập tên doanh nghiệp cần tra cứu vào ô tìm kiếm.
Bước 3: Click Tra cứu
Bước 4: Hệ thống tra cứu xong sẽ hiển thị nội dung thông tin mà bạn cần tra cứu ngay bên dưới.
4. Mã số thuế doanh nghiệp có thay đổi không?
Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Theo đó, mã số thuế doanh nghiệp gắn liền với mỗi doanh nghiệp từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số thuế doanh nghiệp mới chấm dứt hiệu lực.
Nên doanh nghiệp đổi tên, chuyển đổi loại hình hay thay đổi địa chỉ thì vẫn giữ nguyên mã số thuế được cấp ban đầu.
5. Chấm dứt hiệu lực mã số thuế doanh nghiệp
Mã số thuế doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực khi thuộc một trong các trường hợp sau đây theo quy định tại Điều 39 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14:
- Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản;
- Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.
Kể từ ngày cơ quan thuế thông báo chấm dứt hiệu lực, mã số thuế không được sử dụng trong các giao dịch kinh tế. Đồng thời, mã số thuế doanh nghiệp khi đã chấm dứt hiệu lực không được sử dụng lại.
Khi doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì đồng thời phải thực hiện chấm dứt hiệu lực đối với mã số thuế đơn vị phụ thuộc.
Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh bao gồm:
- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT;
- Các giấy tờ khác như sau:
Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của doanh nghiệp, hợp tác xã bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất là một trong các giấy tờ sau: Bản sao quyết định chia, bản sao hợp đồng hợp nhất, bản sao hợp đồng sáp nhập.
Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và hợp tác xã là một trong các giấy tờ sau: Bản sao quyết định hoặc thông báo của doanh nghiệp, hợp tác xã về chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách tra cứu mã số thuế doanh nghiệp, nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này, bạn đọc liên hệ ngay đến tổng đài 19006192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ miễn phí, nhanh chóng.