Tổng hợp điểm mới của Thông tư 07 sửa Thông tư 02 về bảo vệ môi trường

Thông tư 07 sửa đổi bổ sung Thông tư 02 về bảo vệ môi trường mang đến những thay đổi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

1. Bổ sung hướng dẫn tự kiểm toán môi trường

Khoản 11 Điều 1 Thông tư 07/2025/TT-BTNMT (Thông tư 07) đã bổ sung hướng dẫn về phương thức tự kiểm toán môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự tiến hành kiểm toán môi trường theo các bước sau:

Bước 1. Lập kế hoạch

Đầu tiên, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần lập kế hoạch kiểm toán môi trường của cơ sở mình, trong đó, xác định quy trình, nguồn lực để thực hiện kiểm toán môi trường.

Bước 2. Lập danh mục, nội dung cần kiểm toán môi trường

Bước 3. Liên kết, kiểm tra các hồ sơ pháp lý hiện có và đối chiếu với hệ thống quản lý thực tế

Bước 4.  Rà soát các hạng mục đã hoàn thành

Trên cơ sở rà soát, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đánh giá hiệu quả công việc, đưa ra các hạng mục chưa được hoàn thành và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý.

Bước 5. Thông qua báo cáo kiểm toán môi trường.

Bộ Tài nguyên Môi trường khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự kiểm toán môi trường theo các nội dung sau:

- Thu thập, tổng hợp các thông tin dữ liệu về sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, điện năng, hoá chất sử dụng, nguồn cung cấp điện, nước của cơ sở.

- Đánh giá hiệu quả, khối lượng sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, vật liệu đầu vào và nguồn phát sinh từng loại chất thải đầu ra.

- Đánh giá việc tuân thủ các quy định về kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; khối lượng phát sinh từng loại chất thải; biện pháp xử lý chất thải;...

- Đề xuất kế hoạch hành động, gồm:

  • Kế hoạch hành động về giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào và giảm phát sinh chất thải.

  • Tuân thủ tốt hơn các quy định về kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.
Tổng hợp điểm mới của Thông tư 07
Tổng hợp điểm mới của Thông tư 07 sửa Thông tư 02 về bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa)

2. Phân loại chất thải tại điểm tập kết chất thải

Khoản 12 Điều 1 Thông tư 07 đã bổ sung Điều 26a về phân loại chất thải rắn sinh hoạt khác tại điểm tập kết.

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn phân loại chất thải rắn sinh hoạt khác như sau:

- Chất thải cồng kềnh;

- Chất thải nguy hại;

- Chất thải khác còn lại.

Việc phân loại trên được căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt và định hướng phát triển của từng địa phương.

3.  Bổ sung các trường hợp cần thực hiện quan trắc chất thải

Khoản 7 Điều 1 Thông tư 07 (sửa đổi, bổ sung Điều 20 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT) đã bổ sung trường hợp cần thực hiện quan trắc chất thải của đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường.

Theo đó, Việc quan trắc chất thải của đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường sẽ thực hiện giống quy định về kỹ thuật quan trắc chất thải.

Riêng đối với quan trắc khí thải được thực hiện như sau:

  • Một mẫu khí thải được lấy theo phương pháp lấy mẫu liên tục (đẳng động lực, đẳng tốc và phương pháp khác theo quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường).

  • Một mẫu khí thải được đo bằng các thiết bị đo nhanh hiện trường, kết quả được xác định là giá trị trung bình của ít nhất 03 phép đo theo quy định về kỹ thuật quan trắc chất thải.

Tại Khoản 8 Điều 1 Thông tư 07 (sửa đổi, bổ sung Điều 21 Thông tư 02) đã bổ sung thêm trường hợp quan trắc chất thải đối với các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp thuộc Cột 3 Phụ lục II (quy định cũ chỉ gồm dự án đầu tư, cơ sở).

Theo đó, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp  thực hiện quan trắc chất thải theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Thông tư 02.

Tổng hợp điểm mới của Thông tư 07
Tổng hợp điểm mới của Thông tư 07 sửa Thông tư 02 về bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa)

4. Điều chỉnh thẩm quyền xây dựng giá dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Tại khoản 13 Điều 1 Thông tư 07 (sửa đổi khoản 3 Điều 29 Thông tư 02) đã điều chỉnh thẩm quyền trong việc lập giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo quy định cũ, chủ đầu tư, cơ sở cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm lập, trình thẩm định dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tuy nhiên, Thông tư 07 đã chuyển trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc xây dựng, thẩm định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về giá.

5. Sửa đổi phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải

Thông tư 07 đã điều chỉnh phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng đối với nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đang được quy định tại Điều 31 Thông tư 02.

Tại Thông tư 02 đã có quy định riêng về phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng đối với nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tuy nhiên, Thông tư 07 đã thống nhất, điều chỉnh phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng theo phương pháp định giá chung đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá mà Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 45/2024/TT-BTC.

Trên đây là tổng hợp điểm mới của Thông tư 07 sửa Thông tư 02 về bảo vệ môi trường.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Bài viết đã giải quyết được vấn đề của bạn chưa?
Rồi Chưa
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục