Tiền gốc của trái phiếu được trả khi nào?
Thời điểm trả tiền gốc của trái phiếu được quy định trong điều khoản của nó. Thông thường, tiền gốc của trái phiếu sẽ được trả một lần khi trái phiếu đến hạn. Ngày trả tiền gốc thường được xác định là ngày đáo hạn của trái phiếu.
Khoản 3 Điều 34 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Đối chiếu với Điều 17 Nghị định 153/2020 thì việc thanh toán tiền gốc của trái phiếu được thực hiện như sau:
- Doanh nghiệp phát hành bố trí nguồn trả nợ lãi, gốc trái phiếu từ các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu.
- Đối với trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản, khi doanh nghiệp phát hành không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý để thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm của trái phiếu.
- Đối với trái phiếu được bảo lãnh thanh toán, khi doanh nghiệp phát hành không trả được nợ lãi, gốc thì tổ chức bảo lãnh thanh toán có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho doanh nghiệp phát hành theo cam kết bảo lãnh giữa tổ chức bảo lãnh thanh toán và doanh nghiệp phát hành nêu tại phương án phát hành trái phiếu và đã được công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư thì có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo nguyên tắc:
- Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.
- Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.
- Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định.
Ngoài hình thức trả tiền gốc trái phiếu một lần khi đáo hạn thì còn có các hình thức khác như:
- Trả đều hàng kỳ;
- Ân hạn trả nợ gốc trong một số năm đầu rồi trả đều hàng kỳ cho tới khi đáo hạn;
- Trả đều hàng kỳ, một số năm cuối phải trả theo mức lớn hơn.
Tuy nhiên, hình thức trả một lần khi đáo hạn là hình thức phổ biến nhất hiện nay. Dù trả tiền gốc, lãi theo hình thức nào thì doanh nghiệp phát hành cũng cần đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu.
Có được kéo dài kỳ hạn trái phiếu không?
Doanh nghiệp phát hành được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố với nhà đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện nêu tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP được sửa đổi tại Điều 2 Nghị định 08/2023/NĐ-CP:
- Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua;
- Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
Với những người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Nếu vẫn có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi này đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).
Như đã nói ở trên thông thường doanh nghiệp phát hành sẽ thanh toán tiền gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn, tuy nhiên, nếu không thanh toán được tiền gốc, lãi khi đến hạn, doanh nghiệp phát hành có thể kéo dài kỳ hạn của trái phiếu nếu được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận.
Trên đây là giải đáp về vấn đề tiền gốc của trái phiếu được trả khi nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ ngay đến số 0938.36.1919 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam giải đáp kịp thời.