Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh mới nhất

Các doanh nghiệp thường có xu hướng mở rộng quy mô kinh doanh bằng cách mở địa điểm kinh doanh. Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh dưới đây được LuatVietnam cập nhập theo quy định mới nhất.

Địa điểm kinh doanh được đặt ở đâu theo Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT?

Theo khoản 3 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014, địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.

Căn cứ Phụ lục II-8 Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính.

Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi lập địa điểm kinh doanh.

Như vậy doanh nghiệp không được phép thành lập địa điểm kinh doanh ngoài phạm vi cấp tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.

Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh

* Thành phần hồ sơ

Theo Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT, hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh bao gồm:

- Thông báo lập địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục II-11 Nghị định 122/2020/NĐ-CP.

- Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương chưa thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp để được cấp đăng ký doanh nghiệp thay thế nội dung đăng ký kinh doanh trong Giấp phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì ngoài các giấy tờ nêu trên, doanh nghiệp phải nộp kèm theo:

+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;

+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế;

+ Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký hoạt động đối với địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Lưu ý: Trường hợp không phải Chủ sở hữu hoặc Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nộp hồ sơ thì người được ủy quyền phải nộp văn bản uỷ quyền kèm bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân:

- Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.

- Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanhThủ tục thành lập địa điểm kinh doanh (Ảnh minh hoạ)

Trình tự thủ tục lập địa điểm kinh doanh

Bước 1: Nộp hồ sơ

Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt địa điểm kinh doanh hoặc chi nhánh.

Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

Bước 3: Nhận kết quả

* Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc

* Lệ phí giải quyết:

- 50.000 đồng/lần đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh (theo Thông tư 47/2019/TT-BTC).

- Miễn lệ phí đối với hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử.

Tóm lại, thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh khá đơn giản. Khi tiến hành thủ tục này, doanh nghiệp cần phải lưu ý là chỉ được mở địa điểm kinh doanh cùng tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh.

Nếu có vướng mắc khi thực hiện thủ tục lập địa điểm kinh doanh hoặc các vấn đề pháp lý doanh nghiệp khác, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Từ 2021, tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục