Hướng dẫn thủ tục góp vốn bằng nhà ở vào công ty

Các cá nhân, tổ chức có thể góp vốn vào công ty bằng nhiều tài sản khác nhau trong đó có nhà ở. LuatVietnam xin hướng dẫn thủ tục góp vốn bằng nhà ở dưới đây:


Điều kiện góp vốn bằng nhà ở

Theo khoản 1 Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014, góp vốn bằng nhà ở thì phải có đủ các điều kiện sau:

- Có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

- Không có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu đối với trường hợp sở hữu nhà có thời hạn;

- Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền;

- Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở.

Thêm vào đó, nhà ở đưa vào góp vốn phải là nhà ở có sẵn và đáp ứng các điều kiện nêu trên. Nhà ở hình thành trong tương lai không được dùng để góp vốn vào công ty.

góp vốn bằng nhà ở
Thủ tục góp vốn bằng nhà ở vào công ty (Ảnh minh họa)

Hợp đồng góp vốn có bắt buộc công chứng?

Việc góp vốn bằng nhà ở phải thông qua hợp đồng, trong đó có các nội dung cơ bản sau:

- Họ tên của các bên tham gia góp vốn;

- Đặc điểm của nhà ở và thửa đất gắn với nhà ở đó;

- Giá trị góp vốn;

- Thời hạn góp vốn;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên…

Góp vốn bằng nhà ở mà một bên là tổ chức thì không bắt buộc phải công chứng (khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở).

Do đó, chỉ trường hợp góp vốn giữa các cá nhân thì hợp đồng góp vốn bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên để tránh rủi ro có thể phát sinh trong tương lai các bên nên công chứng hợp đồng dù có bắt buộc hay không.

Thủ tục góp vốn bằng nhà ở

Bước 1: Định giá nhà ở

Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá.

Có 2 cách định giá tài sản:

- Các thành viên, cổ đông sáng lập tự định giá;

- Thuê tổ chức định giá chuyên nghiệp tiến hành định giá. Trường hợp này giá trị nhà ở góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận.

Xem thêm: Định giá tài sản góp vốn thế nào?

Bước 2: Soạn thảo hồ sơ góp vốn bằng nhà ở

Trường hợp cá nhân, tổ chức góp vốn không kinh doanh

- Biên bản chứng nhận góp vốn;

- Biên bản giao nhận tài sản;

- Hợp đồng góp vốn.

Căn cứ: khoản 13 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC

Trường hợp cá nhân, tổ chức góp vốn có kinh doanh

- Biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh;

- Hợp đồng liên doanh liên kết;

- Biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá tài sản của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật);

- Hồ sơ về nguồn gốc tài sản;

- Hợp đồng góp vốn.

Căn cứ: khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC

Bước 3: Chuyển quyền sở hữu nhà ở

Thành viên góp vốn bằng tài sản của công ty TNHH, công ty hợp danh, cổ đông của công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp.

Thực hiện chuyển quyền sở hữu nhà ở tại Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện nơi có đất.

Hồ sơ gồm:

- Hợp đồng góp vốn;

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

- CMND/Căn cước công dân/Hộ chiếu của các bên;

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu có).

Lưu ý: Nhà ở sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

Xem thêm: Thủ tục làm Sổ đỏ 2019 - Toàn bộ hướng dẫn mới nhất

Hậu Nguyễn

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Từ 01/01/2025, quy định mới về đầu tư lĩnh vực giáo dục, thể thao văn hoá trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có hiệu lực, mở ra những chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024. Cùng theo dõi chi tiết tại bài viết dưới đây.