Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội

Tùy thuộc quy mô, ngành, nghề đầu tư… nhà đầu tư có thể phải xin chấp thuận chủ trương của Quốc hội trước khi thực hiện dự án. Theo đó, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội được tiến hành thế nào?

Căn cứ Điều 34 Luật Đầu tư 2020, mục 3 Chương IV Nghị định số 29/2021/NĐ-CP, trình tự, thủ tục thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội như sau:

Bước 1: Nhà đầu tư/cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nộp 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1.1. Trường hợp nhà đầu tư nộp hồ sơ trình thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư

Theo khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất gồm:

- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;

- Bản sao Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;

- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu: Nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện hạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

- Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

Khái quát thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội (Ảnh minh họa)

1.2. Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nộp hồ sơ trình thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư

Theo khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập gồm:

- Tờ trình chấp thuận chủ trương đầu tư;

- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: Mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án, điều kiện thu hồi đất đối với dự án thuộc diện thu hồi đất, dự kiến nhu cầu sử dụng đất (nếu có); đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; dự kiến hình thức lựa chọn nhà đầu tư và điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có); cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có).

Nếu pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.


Bước 2: Lập Hội đồng thẩm định Nhà nước

Trong thời hạn 15 ngày từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước.


Lập Hội đồng thẩm định Nhà nước trong thời hạn 15 ngày (Ảnh minh họa)

Bước 3: Thẩm định hồ sơ, lập báo cáo thẩm định

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định hồ sơ, lập báo cáo thẩm định. Trong đó, nội dung thẩm định gồm:

- Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có);

- Đánh giá nhu cầu sử dụng đất;

- Đánh giá sơ bộ về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư (nếu có);

- Đánh giá về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định hoặc lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

- Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư bảo đảm yêu cầu đồng bộ; sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.


Bước 4: Lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư

Chậm nhất là 60 ngày trước ngày họp Quốc hội, Chính phủ lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội gồm:

- Tờ trình của Chính phủ;

- Hồ sơ nêu tại Bước 1 bài viết này;

- Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước;

- Tài liệu khác có liên quan.


Bước 5: Thẩm tra đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư

Nội dung thẩm tra bao gồm:

- Việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội;

- Sự cần thiết thực hiện dự án đầu tư;

- Sự phù hợp của dự án đầu tư với chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có);

- Mục tiêu, quy mô, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, phương án giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, phương án lựa chọn công nghệ chính, giải pháp bảo vệ môi trường;

- Tổng vốn đầu tư, nguồn vốn;

- Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của dự án đầu tư;

- Cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).


Bước 6: Xem xét việc chấp thuận chủ trương đầu tư

Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đây là khái quát thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, nếu cần hỗ trợ thêm, bạn đọc liên hệ ngay tổng đài 1900.6192 để được giải đáp.

>> Danh mục các dự án phải xin chủ trương đầu tư

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thủ tục thành lập khu công nghệ cao [mới nhất]

Việc thành lập khu công nghệ cao không chỉ đóng vai trò trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập khu công nghệ cao.