1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm từ 01/01/2025
Ngày 18/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 161/2024/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Trong đó, Điều 15 đã hướng dẫn về hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Theo đó, tùy từng phân loại hàng hóa nguy hiểm mà hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm có sự khác nhau nhất định. Hồ sơ được áp dụng đối với các nhóm đối tượng như sau:
Hàng hóa nguy hiểm loại 5, loại 8
Hàng hóa nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9
Hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật
Thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đối với các nhóm đối tượng trên bao gồm:
(1) Giấy đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm: Phụ lục IV.
(2) Bản sao hoặc bản sao điện tử hoặc bản chính Bảng kê danh sách phương tiện tham gia vận chuyển bảo đảm còn thời hạn kiểm định theo quy định;
(3) Bản sao hoặc bản sao điện tử hoặc bản chính Bảng kê danh sách lái xe vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và danh sách người áp tải đối với trường hợp bắt buộc phải có người áp tải.
(4) Bản sao hoặc bản sao điện tử hoặc bản chính phương án tổ chức vận chuyển, hàng hóa nguy hiểm của đơn vị vận chuyển theo mẫu quy định tại Phụ lục V.
(5) Bản sao hoặc bản sao điện tử Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm của người lái xe hoặc người áp tải.
Tuy nhiên, đối với hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật, hồ sơ sẽ bắt buộc phải kèm theo bản sao hoặc bản sao điện tử/ bản chính một trong các giấy tờ sau:
Hợp đồng cung ứng về xuất, nhập hàng hóa thuốc bảo vệ thực vật.
Hóa đơn tài chính về xuất, nhập hàng hóa thuốc bảo vệ thực vật.
2. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm từ 01/01/2025
2.1. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm
Căn cứ Điều 16 Nghị định 161/2024/NĐ-CP, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm gồm các bước như sau:
Bước 1. Nộp hồ sơ
Người vận tải hàng hóa nguy hiểm chuẩn bị bộ hồ sơ theo hướng dẫn phía trên đến cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Theo Điều 14 Nghị định 161/2024/NĐ-CP, thẩm quyền cấp Giấy phép sẽ tùy thuộc vào phân loại hàng hóa nguy hiểm, cụ thể:
Bộ Công an: cấp phép cho hàng hóa nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4, loại 9 (trừ hóa chất bảo vệ thực vật và hàng hóa nguy hiểm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng).
Bộ Công Thương:cấp phép cho hàng hóa nguy hiểm loại 5, loại 8.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: cấp phép cho hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật.
Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phương thức gửi hồ sơ trực tiếp, dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến thông qua dịch vụ công
Bước 2. Xử lý hồ sơ
(i) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: cơ quan giải quyết kiểm tra thành phần hồ sơ; trường hợp thành phần hồ sơ chưa đầy đủ hoặc có sai lệch thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
(ii) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến: không quá 01 ngày, cơ quan giải quyết xem xét tính đầy đủ.
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, cơ quan thông báo bằng văn bản hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung, đồng thời hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.
Riêng đối với thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 7 thực hiện theo quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử;
Bước 3. Trả kết quả
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo mẫu tại Phụ lục VII hoặc Phụ lục VIII.
Trường hợp không cấp Giấy phép thì cơ quan cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
2.2. Thủ tục cấp lại giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm
Trường hợp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bị mất, hỏng, cá nhân, tổ chức có thể thực hiện thủ tục xin cấp lại giấy phép theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 161/2024/NĐ-CP.
Về thành phần hồ sơ cấp lại Giấy phép do bị mất, bị hỏng sẽ đơn giản hơn so với hồ sơ đề nghị cấp mới. Hồ sơ chỉ gồm duy nhất “Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm” theo mẫu tại Phụ lục IVb.
Người vận tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm thực hiện các bước giống với đề nghị cấp mới giấy phép vận chuyển theo hướng dẫn tại Mục 2.1.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép thẩm định hồ sơ và cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Trường hợp không cấp Giấy phép thì cơ quan cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Thời hạn của Giấy phép cấp lại theo thời hạn của Giấy phép bị mất, hỏng.
Trên đây là thông tin về thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm từ 01/01/2025.