1. Hình thức và điều kiện thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
1.1. Các hình thức thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Hiện nay, có thể thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức sau đây:
- Hình thức góp vốn ngay từ đầu để thành lập doanh nghiệp mới: Với hình thức này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp vốn kể từ khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài có thể từ 1% - 100% vốn điều lệ tuỳ vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
- Hình thức mua cổ phần hoặc mua phần vốn góp trong doanh nghiệp: Với hình thức này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam. Tuỳ từng lĩnh vực, nhà đầu tư có thể góp vốn từ 1% - 100% vào doanh nghiệp Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua phần vốn góp hoặc cổ phần, sau đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
1.2. Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng điều kiện gì?
- Điều kiện đối với hình thức góp vốn thành lập doanh nghiệp nước ngoài mới: Căn cứ Điều 24 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:
Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường, tức là nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tham gia hoạt động kinh doanh một số ngành nghề cụ thể được pháp luật cho phép đầu tư, đồng thời không được tham gia những ngành nghề kinh doanh bị cấm.
Trước khi thành lập, nhà đầu tư cần có: Dự án đầu tư, làm thủ tục xin cấp hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để chuẩn bị cho việc thành lập doanh nghiệp.
- Điều kiện đối với hình thức mua cổ phần hoặc vốn góp: Căn cứ Điều 24 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:
Đáp ứng điều kiện về việc tiếp cận thị trường theo quy định của Luật Đầu tư.
Đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn, biên giới, đảo hay xã, phường, thị trấn ven biển.
- Điều kiện về chủ thể, quốc tịch:
Chủ thể đầu tư có thể là cá nhân trên 18 tuổi hoặc tổ chức, doanh nghiệp có quốc tịch của thành viên WTO hoặc quốc tịch của nơi có ký điều ước song phương liên quan đến việc đầu tư với nước Việt Nam.
Hiện nay, pháp luật không quy định về quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài, tức là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đầu tư vào Việt Nam nếu tuân thủ các quy định pháp luật và được phê duyệt.
- Điều kiện về năng lực tài chính: Nhà đầu tư đảm bảo phải có đủ năng lực về tài chính, cần phải chứng minh năng lực tài chính khi đầu tư vào Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài cần tiến hành thẩm định và tuân theo các quy định liên quan điều chỉnh lĩnh vực họ lựa chọn để đáp ứng các yêu cầu về tài chính cần thiết trước khi thực hiện đầu tư.
- Điều kiện về trụ sở của doanh nghiệp, địa điểm thực hiện dự án: Nhà đầu tư phải có địa điểm thực hiện dự án tại Việt Nam, được thể hiện bởi hợp đồng thuê và các giấy tờ hợp pháp của bên cho thuê để làm trụ sở công ty và nơi thực hiện dự án.
- Điều kiện về năng lực: Nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định.
2. Các bước để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài 2025
Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020, gồm có:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
- Tài liệu về tư cách pháp lý:
Nhà đầu tư là cá nhân: CMND/CCCD/Hộ chiếu (bản sao).
Nhà đầu tư là tổ chức: Giấy chứng nhận thành lập/Văn bản pháp lý khác có giá trị tương đương (bản sao).
- Đề xuất dự án đầu tư gồm có: Thông tin của nhà đầu tư, mục tiêu, vốn đầu tư, quy mô và phương án huy động vốn, thời hạn, địa điểm và tiến độ đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của dự án và đề xuất hưởng ưu đãi về đầu tư.
- Văn bản chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư:
Nhà đầu tư là cá nhân: Sổ tiết kiệm, giấy tờ xác nhận số dư tài khoản,...
Nhà đầu tư là tổ chức: Báo cáo tài chính của 02 năm gần nhất/Cam kết tài chính của tổ chức tài chính/Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ/Tài liệu chứng minh năng lực tài chính/Bảo lãnh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
- Nếu dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất hay cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp giấy tờ về quyền sử dụng đất/tài liệu xác định quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án (bản sao).
- Giải trình công nghệ sử dụng trong dự án đối với dự án thuộc diện phải được thẩm định, lấy ý kiến công nghệ theo quy định về chuyển giao công nghệ.
- Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức của hợp đồng BCC.
Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Theo khoản 1 Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nộp hồ sơ nêu trên cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trường hợp dự án được thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì nộp hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi thực hiện dự án hoặc dự kiến đặt văn phòng.
Bước 3: Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của nhà đầu tư (theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP).
Bước 4: Chuẩn bị và nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì tiếp tục làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ được quy định tại Chương IV Nghị định 01/2021/NĐ-CP, gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp của nhà đầu tư.
- Điều lệ của công ty.
- Danh sách thành viên/cổ đông tuỳ từng loại hình doanh nghiệp.
- Nếu là cá nhân: CMND/CCCD/Hộ chiếu hoặc tài liệu chứng thực cá nhân hợp pháp (bản sao).
- Nếu là tổ chức: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Quyết định thành lập/tài liệu tương đương của tổ chức và văn bản uỷ quyền; Giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của người đại diện (bản sao).
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/tài liệu tương đương đã được hợp pháp hóa lãnh sự của thành viên là tổ chức nước ngoài (bản sao).
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cơ quan thẩm quyền cấp.
Hồ sơ được nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi công ty có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính.
Bước 5: Tiến hành công bố thông tin doanh nghiệp.
Bước 6: Khắc con dấu.
Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty tiến hành khắc dấu pháp nhân.
Bước 7: Mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài
Sau khi thực hiện các bước trên, công ty có vốn nước ngoài phải mở một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài bằng ngoại tệ tại một ngân hàng được phép thực hiện các giao dịch thu chi hợp pháp bằng ngoại tệ tại Việt Nam.
Bước 8: Thực hiện các thủ tục khác sau thành lập công ty
Sau khi hoàn thiện các bước trên, nhà các nhà đầu tư thực hiện góp vốn đầu tư theo cam kết và đăng ký chữ ký số, đề nghị phát hành hoá đơn điện tử, kê khai nộp thuế,...
Trên đây là những thông tin về các bước thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài.