Giải đáp 10 thắc mắc khi làm thủ tục thành lập công ty

Thủ tục thành lập công ty là một trong những thủ tục hành chính khá phức tạp. Cá nhân, tổ chức có thể tự mình thực hiện thủ tục này nhưng cần phải lưu ý một số vấn đề mà LuatVietnam tổng hợp dưới đây.


1. Đối tượng được thành lập doanh nghiệp

Điều kiện đầu tiên để thành lập doanh nghiệp là cá nhân, tổ chức không phải là đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp.

So với quy định cũ, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm 01 đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp đó là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021 sẽ có 07 nhóm đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp (theo khoản 1, 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020).

Bên cạnh đó, thêm 01 đối tượng không có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào doanh nghiệp là các đối tượng bị cấm theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng.


2. Lựa chọn ngành nghề kinh doanh

Khi lựa chọn và đăng ký ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp căn cứ theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Khi kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp ghi nội dung mã ngành, nghề kinh tế cấp bốn.

Đối với những ngành nghề không có trong Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam:

- Những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

- Những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.


3. Tên doanh nghiệp dự kiến đăng ký

Khi đặt tên doanh nghiệp phải lưu ý những điều sau:

- Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

- Không được đặt tên trùng và tên gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác;

- Doanh nghiệp không bắt buộc phải có tên viết tắt;

- Cần tiến hành tra cứu tên doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ đăng ký. Cụ thể, doanh nghiệp tra cứu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

- Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính của doanh nghiệp.


4. Trụ sở chính và địa điểm kinh doanh

Theo Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020, trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Lưu ý: Trụ sở chính của doanh nghiệp không được đặt tại khu tập thể, nhà chung cư không có chức năng văn phòng

Theo khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Doanh nghiệp không được phép thành lập địa điểm kinh doanh ngoài phạm vi cấp tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh.

Như vậy, trụ sở chính và địa điểm kinh doanh không được cùng là một nơi. Trụ sở chính có thể không tiến hành hoạt động kinh doanh còn địa điểm kinh doanh bắt buộc phải tiến hành hoạt động kinh doanh theo ngành, nghề doanh nghiệp đã đăng ký.

Xem chi tiết: Phân biệt trụ sở chính và địa điểm kinh doanh

Thủ tục thành lập công ty (Ảnh minh hoạ)

5. Chí phí thành lập công ty

Khi thành lập, doanh nghiệp phải tiến hành nộp một số khoản lệ phí cho cơ quan đăng ký kinh doanh như sau:

- Phí đăng ký thành lập doanh nghiệp:

+ 50.000 đồng;

+ Miễn lệ phí đối với doanh nghiệp đăng ký thành lập qua mạng điện tử

(theo Thông tư 47/2019/TT-BTC).

- Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng.

Lưu ý: Đối với phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Xem chi tiết: Chi phí thành lập công ty 2021 bao nhiêu? Nộp những khoản nào?


6. Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp

Khi đăng ký thành lập mới, doanh nghiệp phải thông báo công khai các thông tin sau đây trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (khoản 1 Điều 32 Luật Doanh nghiệp 2020):

- Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Ngành, nghề kinh doanh;

- Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.


7. Khắc dấu khi thành lập công ty

Theo quy định cũ, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (theo khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định này, doanh nghiệp không phải làm thủ tục thông báo mẫu dấu đến cơ quan ĐKKD.

Theo đó, Luật này quy định dấu bao gồm dấu được làm tại các cơ sở khắc dấu hoặc dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số.

Doanh nghiệp được quyết định loại dấu; quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp (theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020).


8. Hồ sơ khi thành lập công ty

Hiện nay hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được cập nhật mới theo Nghị định 122/2020/NĐ-CP và Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT, cụ thể:

STT

Tên mẫu

Link

1

Giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

Tải về

2

Giấy đăng ký thành lập Công ty TNHH một thành viên

Tải về

3

Giấy đăng ký thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Tài về

4

Giấy đăng ký thành lập Công ty cổ phần

Tải về

5

Giấy đăng ký thành lập Công ty hợp danh

Tải về

6

Thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh

Tài về


9. Thủ tục nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh

Hiện nay, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh theo các cách như sau:

- Nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh

- Nộp hồ sơ qua mạng thông tin điện tử

+ Đăng ký doanh nghiệp bằng tài khoản đăng ký kinh doanh

+ Đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số

(Doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc phải tiến hành thủ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng).

Kể từ 04/01/2021, theo quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, doanh nghiệp không cần phải nộp hồ sơ bằng bản giấy.

Tuy nhiên, khi nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thực hiện thủ tục vẫn phải lên Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận. Trường hợp được uỷ quyền thì người được uỷ quyền phải mang theo Giấy uỷ quyền và giấy tờ nhân thân của mình.

Xem chi tiết: Năm 2021, thành lập doanh nghiệp qua mạng không phải lên Phòng đăng ký kinh doanh?


10. Vốn điều lệ

Việc để vốn điều lệ như thế nào không ảnh hưởng quá nhiều tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, vốn điều lệ cũng chính là sự cam kết trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên với đối tác, khách hàng. Do đó:

- Vốn điều lệ ở mức thấp hoặc quá thấp: Trách nhiệm vật chất của người góp vốn giảm xuống nhưng sẽ khó tạo niềm tin cho đối tác;

- Vốn điều lệ ở mức cao hoặc quá cao: Trách nhiệm vật chất tăng, tính chịu rủi ro của người góp vốn cũng tăng theo nhưng sẽ dễ dàng tạo sự tin tưởng với đối tác, khách hàng hơn đặc biệt trong các hoạt động đấu thầu…

Vì vậy, khi đăng ký vốn điều lệ, cần cân nhắc đến các yếu tố như khả năng tài chính, quy mô kinh doanh, định hướng phát triển…

Như vậy, thủ tục thành lập công ty có khá nhiều điểm mới so với trước đây. Nếu có thắc mắc trong trình làm thủ tục này, độc giả vui lòng gọi đến tổng đài 1900.6192 để được giải đáp nhanh nhất.

>> Thành lập doanh nghiệp từ 2021: 7 điểm mới cần lưu ý

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thủ tục thành lập khu công nghệ cao [mới nhất]

Việc thành lập khu công nghệ cao không chỉ đóng vai trò trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập khu công nghệ cao.