1. Chi nhánh công ty là gì?
Trước khi tìm hiểu thủ tục thành lập chi nhánh công ty cần phải biết khái niệm chi nhánh là gì. Theo đó, khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:
1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, khoản 1, khoản 2 Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về chi nhánh của pháp nhân như sau:
1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.
Như vậy, có thể hiểu, chi nhánh công ty là một đơn vị phụ thuộc của công ty mà không phải pháp nhân, thực hiện toàn bộ/một phần chức năng của công ty đó.
Và một công ty hoàn toàn được quyền thành lập chi nhánh ở cả trong nước và nước ngoài, được quyền có một hoặc nhiều chi nhánh tại một địa phương (theo khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp).
2. Điều kiện thành lập chi nhánh công ty là gì?
Cũng giống như khi thành lập công ty, khi thực hiện thủ tục thành lập chi nhánh công ty trước hết cần phải quan tâm đến điều kiện thành lập. Chỉ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập chi nhánh công ty thì hồ sơ mới được xét duyệt và chấp thuận:
2.1 Điều kiện về tên
Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về tên của chi nhánh. Trong đó, tên chi nhánh phải đáp ứng các điều kiện về tên nêu tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp về việc tên trùng, tên gây nhầm nhẫn khi đặt tên doanh nghiệp:
- Không được đặt tên trùng (viết hoàn toàn giống) với tên tiếng Việt của công ty khác đã được đăng ký.
- Không được đặt tên gây nhầm lẫn với công ty đã đăng ký: Đọc giống; không được trùng tên viết tắt với công ty khác; trùng tên bằng tiếng anh của công ty khác đã đăng ký…
Ngoài ra, ngoài tên tiếng Việt, chi nhánh còn có thể đăng ký bằng tên tiếng nước ngoài, tên viết tắt nhưng nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch từ tiếng Việt sang một trong các ngôn ngữ thuộc hệ La-tinh. Còn tên viết tắt thì viết tắt từ tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài.
Về cấu trúc tên chi nhánh, Điều 40 Luật Doanh nghiệp quy định, tên chi nhánh phải kèm theo cụm từ chi nhánh, phải được gắn với trụ sở chi nhánh và được in/viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp.
Đặc biệt: Phần tên riêng trong tên chi nhánh không được sử dụng cụm từ công ty hay doanh nghiệp.
2.2 Điều kiện về ngành, nghề kinh doanh
Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 khẳng định:
Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, với ngành nghề của chi nhánh thì bắt buộc phải đúng theo ngành nghề của công ty. Nếu muốn kinh danh ngành nghề khác thì trước hết công ty phải bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh.
3. Thủ tục thành lập chi nhánh thực hiện thế nào?
Để thành lập chi nhánh công ty, tuỳ vào từng loại hình chi nhánh công ty, người có yêu cầu cần thực hiện theo thủ tục, trình tự dưới đây:
3.1 Chuẩn bị hồ sơ
- Với công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 1 thành viên: Thông báo thành lập chi nhánh; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên (bản sao); giấy tờ pháp lý của người đứng đầu (bản sao - Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn…).
- Với công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Thông báo thành lập chi nhánh; nghị quyết, quyết định, biên bản họp của Hội đồng thành viên (bản sao); giấy tờ pháp lý của người đứng đầu (bản sao - Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn…).
- Với công ty cổ phần: Thông báo thành lập chi nhánh; nghị quyết, quyết định, biên bản họp của Hội đồng quản trị (bản sao); giấy tờ pháp lý của người đứng đầu (bản sao - Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn…).
- Với công ty hợp danh: Thông báo thành lập chi nhánh; nghị quyết, quyết định, biên bản họp của Hội đồng thành viên (bản sao); giấy tờ pháp lý của người đứng đầu (bản sao - Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn…).
(Căn cứ khoản 1 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
3.2 Nộp hồ sơ
Hiện để thực hiện thủ tục đăng ký thành lập chi nhánh công ty, có hai hình thức:
- Đăng ký trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện qua Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện.
- Đăng ký online qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia bằng chữ ký số công cộng hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh.
3.3 Thời gian giải quyết
Căn cứ khoản 3 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thời gian giải quyết việc đăng ký thành lập chi nhánh là 03 ngày làm việc. Riêng thành lập chi nhánh ở nước ngoài thì thực hiện theo pháp luật của nước đó.
3.4 Lệ phí thành lập
Căn cứ biểu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 47/2019/TT-BTC, đăng ký cấp Giấy chứng nhận chi nhánh có mức phí là 50.000 đồng/lần. Đây cũng là mức phí nếu nộp hồ sơ qua bưu điện. Riêng đăng ký online thì không mất phí.
Trên đây là trình tự, thủ tục thành lập chi nhánh công ty chi tiết nhất. Hy vọng, với những thông tin trong bài viết, các doanh nghiệp đã nắm rõ quy trình thực hiện thủ tục mở chi nhánh cho doanh nghiệp của mình.