Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là vấn đề được nhiều người quan tâm khi thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Tùy từng trường hợp, nhà đầu tư sẽ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư ở cơ quan khác nhau.
1. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gì?
Khoản 11 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 đưa ra định nghĩa Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
Thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư được ghi nhận gồm:
- Tên dự án đầu tư.
- Nhà đầu tư.
- Mã số dự án đầu tư.
- Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng.
- Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
- Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động).
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
- Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm: Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn; Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn.
- Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).
- Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).
Theo đó có thể hiểu Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một loại giấy phép được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho nhà đầu tư đồng thời là điều kiện để nhà đầu tư thực hiện đầu tư tại Việt Nam.
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư (Ảnh minh họa)
2. Dự án nào phải xin Giấy chứng nhận đầu tư?
Các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư 2020 gồm:
- Dự án của nhà đầu tư nước ngoài.
- Dự án của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư năm 2020.
- Các dự án của nhà đầu tư trong nước và dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Đầu tư năm 2020 có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn phụ thuộc vào dự án đầu tư đó có cần chấp thuận chủ trương đầu tư hay không:
- Dự án đầu tư cần chấp thuận chủ trương đầu tư và phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì thực hiện quyết định chủ trương đầu tư trước sau đó mới thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Dự án đầu tư không cần chấp thuận chủ trương đầu tư và phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì chỉ cần xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
3. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo Điều 39 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định như sau:
1. Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế
Cấp Giấy chứng nhận đầu tư với dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp nêu tại mục 3 dưới đây.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp nêu tại mục 3 dưới đây.
3. Cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án, đặt/dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án
Cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án sau:
- Dự án được thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
- Dự án được thực hiện ở cả trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
- Dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế/không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Theo đó, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ các dự án đầu tư thuộc diện xin chấp thuận chủ trương của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm: Sở kế hoạch và Đầu tư; Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế; Cơ quan đăng ký đầu tư.
Trên đây là giải đáp về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nếu cần tư vấn thêm, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh chóng.