Tạm nhập tái xuất là gì? Các hình thức tạm nhập tái xuất

Tạm nhập tái xuất là thuật ngữ quen thuộc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Cụ thể, tạm nhập tái xuất là gì? Có những hình thức tạm nhập tái xuất nào? Cùng tìm hiểu tại bài viết sau.

1. Tạm nhập tái xuất là gì? 

Tạm nhập tái xuất là gì?
Tạm nhập tái xuất là gì? (Ảnh minh hoạ)

Tạm nhập, tái xuất là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc hàng hóa được đưa từ các khu vực đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng vào Việt Nam, có thực hiện thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và thực hiện thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam (Theo Điều 29 Luật Thương mại số 36/2005/QH11).

2. Hàng hóa nào được tạm nhập, tái xuất?

Hàng hóa nào được tạm nhập, tái xuất
Hàng hóa nào được tạm nhập, tái xuất (Ảnh minh hoạ)

Theo quy định tại Điều 48 Luật Hải quan số 54/2014/QH13, các loại hàng hóa được tạm nhập, tái xuất bao gồm:

- Phương tiện quay vòng dùng để chứa hàng hóa;

- Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp phục vụ công việc trong một thời hạn nhất định;

- Máy móc, thiết bị và các phương tiện thi công, các khuôn, mẫu theo hợp đồng thuê, mượn để sản xuất, thi công;

- Linh kiện, phụ tùng chủ tàu nhập khẩu nhằm mục đích thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài;

- Hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm;

- Hàng hóa khác.

3. Các hình thức tạm nhập tái xuất

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, các hình thức tạm nhập, tái xuất khác được quy định như sau:

Các hình thức tạm nhập tái xuất hàng hóa
Các hình thức tạm nhập tái xuất hàng hóa (Ảnh minh hoạ)

Thứ nhất, trừ trường hợp hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa bị tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân được thực hiện thủ tục·tạm nhập hàng hóa vào Việt Nam theo hợp đồng ký kết với nước ngoài nhằm mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hoặc để sử dụng hàng hóa vào mục đích khác trong một khoảng thời gian nhất định rồi tái xuất hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam theo các quy định sau:

  • Đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam và hàng hóa thuộc đối tượng quản lý bằng biện pháp hạn ngạch thuế quan, hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép;

  • Đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành và sử dụng tại Việt Nam, Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất dựa trên văn bản chấp thuận của các bộ và các cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý hàng hóa;

  • Hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu khi sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của các bộ và các cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý hàng hóa;

  • Hàng hóa không bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa không tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan, không cần Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

Thứ hai, thương nhân được phép tạm nhập hàng hóa thương nhân đã xuất khẩu để thực hiện việc tái chế, bảo hành hàng hóa theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài và thực hiện thủ tục tái xuất khẩu hàng hóa trả lại thương nhân nước ngoài.

Thứ ba, tạm nhập, tái xuất hàng hóa nhằm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại:

  • Thương nhân được phép tạm nhập hàng hóa để thực hiện việc trưng bày, giới thiệu hàng hóa, tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại, trừ trường hợp hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa bị tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;

  • Thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không cần Giấy phép tạm nhập, tái xuất;

  • Thương nhân phải bảo đảm tuân thủ các quy định về trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hội chợ, triển lãm thương mại.

Thứ tư, trừ trường hợp hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa bị tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất hàng hóa trong các trường hợp sau đây tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất:

  • Tạm nhập hàng hóa nhằm phục vụ việc đo kiểm, khảo nghiệm;

  • Tạm nhập tái xuất các linh kiện, phụ tùng tạm nhập không có hợp đồng để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài; linh kiện, phụ tùng tạm nhập để sửa chữa cho tàu biển, tàu bay theo các hợp đồng được ký kết giữa chủ tàu nước ngoài với nhà máy sửa chữa tại Việt Nam;

  • Tạm nhập tái xuất các loại phương tiện chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Thứ năm, việc tạm nhập, tái xuất các loại máy móc, trang thiết bị và dụng cụ khám chữa bệnh của tổ chức nước ngoài nhằm khám, chữa bệnh tại Việt Nam vì mục đích nhân đạo; tạm nhập, tái xuất các dụng cụ biểu diễn, trang bị tập luyện, thi đấu của các đoàn nghệ thuật, thi đấu, biểu diễn thể thao, thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không cần có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

Nếu các máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh; dụng cụ biểu diễn, trang thiết bị tập luyện, thi đấu thuộc Danh mục hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa bị tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện thì khi thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất, ngoài hồ sơ hải quan, cần nộp bổ sung các giấy tờ sau:

  • Văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cho phép tiếp nhận đoàn khám chữa bệnh hoặc tổ chức sự kiện;

  • Văn bản cam kết sử dụng đúng mục đích và quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức được cho phép tiếp nhận đoàn khám chữa bệnh hoặc tổ chức sự kiện.

Thứ sáu, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có thẩm quyền xem xét, cho phép tạm nhập, tái xuất vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, an ninh nhằm mục đích quốc phòng, an ninh.

Trên đây là định nghĩa Tạm nhập tái xuất là gì và các hình thức tạm nhập tái xuất.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất mới về báo cáo khai thác tài nguyên nước, doanh nghiệp cần lưu ý

Đề xuất mới về báo cáo khai thác tài nguyên nước, doanh nghiệp cần lưu ý

Đề xuất mới về báo cáo khai thác tài nguyên nước, doanh nghiệp cần lưu ý

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Tài nguyên nước. Sau đây là một số đề xuất mới tại dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Tài nguyên nước, trong đó đáng chú ý có các quy định về chế độ báo báo hoạt động khai thác tài nguyên nước.