Phần mềm lậu là gì? Sử dụng phần mềm lậu có bị phạt không?

Sử dụng phần mềm lậu đã trở thành một hiện tượng phổ biến tại Việt Nam. Vậy phần mềm lậu là gì? Sử dụng phần mềm lậu có bị phạt không?


1. Phần mềm lậu là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, phần mềm máy tính hay chương trình máy tính là lệnh, mã, lược đồ hoặc bất cứ những gì mang tính chỉ dẫn mà máy tính có thể đọc, dùng để thực hiện một công việc và sản sinh một kết quả cụ thể.

Phần mềm lậu là phần mềm trả phí bị can thiệp bằng các thủ thuật trở nên miễn phí một cách trái phép. Phần mềm lậu còn thường được gọi là phần mềm Crack hay phần mềm đã bẻ khóa.

Tại Việt Nam, tình trạng sử dụng phần mềm lậu diễn ra rất phổ biến: Các trang Web cung cấp phần mềm lậu dựa vào tính ẩn danh trên không gian mạng hoạt động ngang nhiên, khó kiểm soát. Cụ thể, theo thống kê năm 2017 của BSA, Việt Nam có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm là 74%, gây thiệt hại ước tính $492 triệu.

Hệ điều hành Windows, nạn nhân phổ biến nhất của việc sử dụng phần mềm lậu
Hệ điều hành Windows, nạn nhân phổ biến nhất của việc sử dụng phần mềm lậu (ảnh minh họa)

2. Sử dụng phần mềm lậu có bị phạt không?

Phần mềm hay chương trình máy tính là một trong các đối tượng được bảo hộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi và bổ sung năm 2009. Theo đó, phần mềm được bảo hộ như một tác phẩm văn học và được quy định như sau:

Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình máy tính có quyền thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính. Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính được làm một bản sao dự phòng để thay thế khi bản sao đó bị xóa, bị hỏng hoặc không thể sử dụng nhưng không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác.

Như vậy, việc sử dụng phần mềm lậu ở Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật và có thể phải chịu chế tài xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Mức phạt khi sử dụng phần mềm lậu tại Việt Nam

3.1 Chịu trách nhiệm hành chính

Khi sử dụng phần mềm lậu, cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 2 và Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP như sau:

Hành vi

Mức phạt

Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.

15 - 30 triệu đồng

Sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả

15 - 35 triệu đồng

Riêng tổ chức sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần mức phạt dành cho cá nhân ở trên.

Ngoài việc phạt tiền, Tòa án sẽ yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả của việc sử dụng phần mềm lậu như:

  • Buộc dỡ bỏ bản sao phần mềm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet;
  • Buộc tiêu hủy tang vật như máy tính, ổ đĩa chứa phần mềm lậu.

3.2 Chịu trách nhiệm Hình sự

Sử dụng phần mềm lậu có thể phải chịu trách nhiệm Hình sự
Sử dụng phần mềm lậu có thể phải chịu trách nhiệm Hình sự (Ảnh minh họa)

Hành vi sử dụng phần mềm lậu sẽ phải chịu trách nhiệm Hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định với tội xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan cụ thể là như sau:

Đối tượng

Hành vi sử dụng hoặc phân phối phần mềm lậu

Mức phạt

Cá nhân

Thu lợi từ 50 - dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại đến chủ sở hữu từ 100 - dưới 500 triệu đồng

50 - 300 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03

Phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều hơn 02 lần hoặc thu lợi trên 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu trên 500 triệu đồng

300 triệu đồng đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Một số trường hợp đặc biệt

Phạt thêm 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm làm một số công việc từ 01 đến 05 năm

Tổ chức, pháp nhân thương mại

Thu lợi từ xâm phạm từ 200 triệu đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho củ sở hữu từ 300 triệu đến dưới 500 triệu đồng. Pháp nhân đã từng bị xử phạt hành chính hoặc kết án tội này mà chưa được xóa án tích cũng sẽ bị phạt theo mức tương tự

500 triệu đến dưới 02 tỷ đồng

Phạm tội nhiều hơn 02 lần hoặc thu lợi từ hành vi phạm tội trên 300 triệu đồng

02 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm

Một số trường hợp đặc biệt

Phạt thêm 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

3.3 Các biện pháp tự bảo vệ

Song song với các hình thức xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm thì Tổ chức cá nhân bị xâm phạm bản quyền phần mềm qua hình thức phầm mềm lậu có thể áp dụng những biện pháp tự bảo vệ dựa trên Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2019 và được hướng dẫn bởi Điều 58 và 61 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, cụ thể là sau đây:

- Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền tác giả đối với phần mềm, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác

+ Biện pháp công nghệ: Sử dụng bất kỳ phương tiện, kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện có khả năng tiến hành hoặc hỗ trợ đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ quyền tác giả của phần mềm, quyền liên quan

+ Biện pháp công nghệ hữu hiệu giúp bảo vệ quyền mà chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan của phầm mềm thông qua:
  • Ứng dụng kiểm soát truy cập: Là những kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện có khả năng kiểm soát quyền truy cập vào bản sao phần mềm được bảo vệ;
  • Quy trình bảo vệ: Là biện pháp sử dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế tối đa việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với bản sao phần mềm được bảo vệ;
  • Các biện pháp kiểm soát sao chép: Sử dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nhằm kiểm soát hoặc ngăn chặn việc sao chép phần mềm được bảo vệ

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi sử dụng và phân phối phần mềm lậu phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa bản sao phần mềm lậu trên môi trường mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại

+ Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của phần mềm, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền bằng cách thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm.

+ Văn bản thông báo cần bao gồm những thông tin sau:

  • Tên tác giả, chủ sở hữu quyền đối với phần mềm, chủ sở hữu quyền liên quan và tổ chức, cá nhân được ủy quyền (nếu có);
  • Cơ sở phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan của phần mềm, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan (nếu có);
  • Phạm vi, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan;
  • Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm; thời hạn phải chấm dứt hành vi sử dụng và phân phối phần mềm lậu;
  • Yêu cầu trả tiền bản quyền, bồi thường thiệt hại (nếu có).

- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm.

Có thể thấy, việc sử dụng phần mềm lậu là một trong những vi phạm sở hữu trí tuệ phổ biến nhất tại Việt Nam. Để có thể xóa bỏ tệ nạn này, mọi người cần phải hiểu rõ được khái niệm cũng như những rủi ro pháp lý của việc sử dụng phần mềm lậu.

Nếu còn thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 của LuatVietnam để được tư vấn chi tiết.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục