Cách xác định sử dụng hợp lý tác phẩm hay xâm phạm quyền tác giả

Trong một số trường hợp nhất định, bên thứ ba được phép sử dụng hợp lý (fair use) tác phẩm của người khác... Tuy nhiên để được hưởng các quyền này, chủ thể phải tuân thủ một số điều kiện.

Sử dụng hợp lý (fair use) tác phẩm của người khác, hay các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép và cũng không phải trả tiền nhuận bút hoặc thù lao, hay các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm bản quyền là nội dung được thiết lập trong pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) của nhiều nước.

Theo đó, cho phép bên thứ ba sử dụng tác phẩm có bản quyền của người khác mà không cần phải xin phép trong một số trường hợp nhất định. Nhưng cần nhớ rằng để được hưởng các ngoại lệ ấy, chủ thể phải tuân thủ một số điều kiện. Điều này có nghĩa rằng, dù cho hành vi sử dụng tác phẩm thuộc các trường hợp không xâm phạm quyền tác giả, chưa chắc hành vi đó đã được miễn trừ trách nhiệm.

Vụ việc 1: Tranh chấp quyền tác giả tại Hoa Kỳ trên sơ sở “Sử dụng hợp lý”

Elliot McGucken một nhiếp ảnh gia người Mỹ, đã khởi kiện Pub Ocean Ltd sau khi công ty này công bố những bức ảnh về một hồ nước hình thành ở Thung lũng Chết do Elliot McGucken chụp mà chưa được phép.

Những bức ảnh của McGucken

Nhiếp ảnh gia Elliot McGucken đã chụp một loạt ảnh về cảnh tượng một hồ nước phù du hình thành trên nền sa mạc ở Thung lũng Chết (Death Valley) sau những trận mưa lớn vào tháng 3 năm 2019. McGucken đã đăng tải các bức ảnh lên trang Instagram của mình và chúng được chia sẻ rộng rãi. Trong những tuần tiếp theo, McGucken đã nhận được nhiều đề nghị từ một số trang web để cho phép đăng ảnh của McGucken trong các bài báo về hồ nước.

Bài báo của Pub Ocean được cho là có yếu tố vi phạm quyền tác giả

Pub Ocean, nhà xuất bản kỹ thuật số có trụ sở tại Vương quốc Anh, điều hành mạng lưới các trang web phục vụ cho sở thích về du lịch, lịch sử, văn hóa đại chúng và các sự kiện hiện tại. Vào ngày 15 tháng 4 năm 2019, trên trang web của mình, Pub Ocean đã xuất bản một bài báo sử dụng 12 bức ảnh, mà chưa được sự cho phép, của McGucken và kiếm được 6.815,66 đô la trong khoảng thời gian một năm thông qua quảng cáo.

Bài báo của Pub Ocean có tiêu đề “Một hồ nước khổng lồ vừa hình thành ở giữa một trong những nơi khô hạn nhất trên trái đất.” Như tiêu đề này cho thấy, trọng tâm của bài viết là hồ nước phù du. Phần lớn bài báo mô tả cách hồ nước phù du hình thành và cách McGucken đến để chụp ảnh hiện tượng này. Những bức ảnh của McGucken được sử dụng trong bài báo của Pub Ocean thảo luận cụ thể về hồ nước với dòng chữ chú thích bên dưới bức ảnh.

Vụ kiện ban đầu được thụ lý bởi Toà án địa hạt bang California. Khi đó Toà địa hạt đã ra quyết định có lợi cho Pub Ocean trên cơ sở đồng ý với biện hộ của Pub Ocean về việc sử dụng hợp lý tác phẩm (fair use grounds).

Toà án phúc thẩm không công nhận hành vi sử dụng tác phẩm của Pub Ocean là sử dụng hợp lý

Toà án phúc thẩm khu vực chín tại Hoa Kỳ nhận định rằng Pub Ocean đã “xâm phạm quyền tác giả” mà không phải là “sử dụng hợp lý tác phẩm” của McGucken sau khi xem xét rằng hành vi sử dụng tác phẩm của Pub Ocean không phải là hành vi sử dụng hợp lý do không thoả mãn bốn yếu tố luật định trong nguyên tắc “sử dụng hợp lý”, cụ thể:

1. Xét về mục đích và đặc điểm của việc sử dụng tác phẩm được bảo hộ, bài viết của Pub Ocean đã sử dụng ảnh của McGucken cho mục đích thương mại và việc sử dụng này không có tính biến đổi, vì bài viết đã sử dụng ảnh cho đúng mục đích mà chúng được chụp: để mô tả hồ nước mà không được thể hiện dưới góc độ mới hay khác biệt.

2 Xét về bản chất của tác phẩm được bảo hộ, mặc dù các bức ảnh của McGucken ghi lại một sự kiện (thực tế) có thật, nhưng chúng “có tính sáng tạo vì chúng là sản phẩm của nhiều quyết định kỹ thuật và nghệ thuật”. Việc các bức ảnh đã được nhiếp ảnh gia công bố trước đó không tự động mang lại quyền sử dụng hợp lý cho Pub Ocean.

3. Xét về lượng và chất của phần được sử dụng trong tác phẩm được bảo hộ, Pub Ocean đã sử dụng toàn bộ tác phẩm của McGucken chứ không phải một lượng nhỏ, chỉ cắt xén tối thiểu và chúng được sao chép rộng rãi mà không có lý do chính đáng.

4. Xét về sự ảnh hưởng của việc sử dụng đối với thị trường tiềm năng hoặc đối với giá trị của tác phẩm được bảo hộ, thì việc sử dụng của Pub Ocean không được coi là sử dụng hợp lý vì “nếu được thực hiện một cách rộng rãi và không hạn chế, hành vi của Pub Ocean sẽ phá hủy thị trường cấp phép của McGucken”.

Bởi vì tất cả bốn yếu tố theo luật định đều chỉ rõ rằng Pub Ocean không đáp ứng quy định về sử dụng hợp lý tác phẩm của người khác, và do đó không thể viện dẫn quy định về sử dụng hợp lý tác phẩm để biện hộ chống lại yêu cầu khởi kiện xâm phạm bản quyền của McGucken.

Tòa phúc thẩm phán quyết rằng tòa địa hạt đã sai lầm khi trước đó đã không ra phán quyết có lợi cho McGucken. Cuối cùng, Tòa phúc thẩm khu vực chín (Ninth Circuit) đã đảo ngược phán quyết của Tòa địa hạt và yêu cầu thực thi các thủ tục tố tụng tiếp theo có lợi cho nguyên đơn, McGucken.

Đâu là ranh giới giữa sử dụng hợp lý tác phẩm hay xâm phạm quyền tác giả?
Đâu là ranh giới giữa sử dụng hợp lý tác phẩm hay xâm phạm quyền tác giả? (Ảnh minh họa)

Vụ việc 2: Tranh chấp quyền tác giả tại Việt Nam: “Sử dụng trái phép” hay “trích dẫn hợp lý” tác phẩm?

Vụ kiện liên quan đến quyền tác giả được xét xử năm 2007 tại Việt Nam dưới đây cho chúng ta một góc nhìn để soi chiếu đến quy định trong Luật SHTT hiện hành về “Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả”.

Nguyên đơn, ông Nguyễn Quảng Tuân, kiện bị đơn, ông Đào Thái Tôn vì cho rằng bị đơn đã sử dụng nguyên văn bốn bài báo của nguyên đơn trong cuốn “Văn bản Truyện Kiều - nghiên cứu và thảo luận” mà không xin phép, do vậy, đã xâm phạm quyền tác giả của nguyên đơn.

Bị đơn thừa nhận có sử dụng 4 bài nghiên cứu của nguyên đơn, nhưng bác bỏ cáo buộc của nguyên đơn vì cho rằng, bốn bài báo của nguyên đơn đã được in trên báo chí, đã được công bố và mục đích đưa 4 bài báo của nguyên đơn là nhằm dựng lại một cách trung thực cuộc tranh luận mang tính khoa học, chứ không nhằm mục đích thương mại.

Bị đơn phải in toàn bộ 4 bài báo của nguyên đơn để người đọc có thể hiểu hết nội dung cần tranh luận. Các bài viết của nguyên đơn không bị cắt xén, tên tác giả vẫn được đề rõ ràng để thể hiện nguồn gốc tác phẩm. Do đó, thực chất là hành vi trích dẫn tác phẩm được pháp luật cho phép và không xâm phạm bản quyền.

Trong phiên tòa sơ thẩm, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cho rằng, hành vi sử dụng 4 bài nghiên cứu của bị đơn để đưa vào tác phẩm “Văn bản Truyện Kiều - nghiên cứu và thảo luận” mà không xin phép là xâm phạm quyền tác giả của nguyên đơn, theo đó, buộc bị đơn phải xin lỗi, bồi thường vật chất và tinh thần là 25 triệu đồng.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, tòa án phúc thẩm đã sửa lại bản án cấp sơ thẩm với nhận định rằng tòa án cấp sơ thẩm đã sai lầm vì việc sử dụng 4 tác phẩm thực chất là hành vi “trích dẫn tác phẩm”, để bình chú, chứ không phải sao chép tác phẩm. Như vậy, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại là không có cơ sở.

Rõ ràng quan điểm về hành vi sử dụng 4 bài nghiên cứu của bị đơn được 2 cấp xét xử của Việt Nam nhận định khác nhau. Tòa sơ thẩm cho rằng bị đơn đã “Sử dụng trái phép” và xâm phạm quyền tác giả của nguyên đơn; trong khi đó, tòa phúc thẩm cho rằng bị đơn chỉ “trích dẫn” tác phẩm để bình chú, thể hiện quan điểm của mình, và do vậy, không xâm phạm quyền tác giả.

Phán quyết của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã làm dấy lên không ít cuộc tranh luận từ các học giả, luật gia, luật sư, cho rằng: bản án phúc thẩm không thỏa đáng và thiếu logic vì, về bản chất, “trích dẫn” theo từ điển tiếng Việt là “dẫn nguyên văn một câu hay một đoạn văn nào đó”, do vậy, “trích dẫn tác phẩm” không thể là “sao chép toàn bộ” hoặc “in nguyên văn toàn bộ” tác phẩm của người khác.

Việc bị đơn in 4 bài nghiên cứu của nguyên đơn để đưa vào tác phẩm “Văn bản Truyện Kiều - nghiên cứu và thảo luận” nên được coi là hành vi sao chép, sử dụng trái phép, chứ không phải “trích dẫn hợp lý” tác phẩm của người khác.

“Sử dụng hợp lý” theo quy định của Luật SHTT Việt Nam

“Sử dụng hợp lý” (fair use) không phải thuật ngữ pháp lý trong Luật SHTT của Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật về SHTT của Việt Nam có thiết lập các quy định về 12 trường hợp mà theo đó bên thứ ba có thể được phép sử dụng tác phẩm có bản quyền của người khác.

Cụ thể, theo Điều 25 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 và năm 2022 quy định về “Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả”, trong 12 trường hợp sau đây, việc sử dụng tác phẩm đã công bố của người khác có thể được thực hiện mà không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyềnkhông cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả:

(1) Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép;

(2) Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại;

(3) Sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy. Việc sử dụng này có thể bao gồm việc cung cấp trong mạng máy tính nội bộ với điểu kiện phải có các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm chỉ người học và người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận tác phẩm này;

(4) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước;

(5) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu;

(6) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói nên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số;

(7) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, hoạt động tuyên truyền cổ động không nhằm mục đích thương mại;

(8) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó, không nhằm mục đích thương mại;

(9) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng cá nhân, không nhằm mục đích thương mại;

(10) Sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác giả tuyên bố giữ bản quyền;

(11) Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phát sóng sự kiện nhằm mục đích đưa tin thời sự, trong đó có sử dụng tác phẩm được nghe thấy, nhìn thấy trong sự kiện đó;

(12) Người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường, người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật, tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ sử dụng tác phẩm.

Lưu ý rằng, ngoài việc đáp ứng các điều kiện được chi tiết hóa trong từng hành vi theo 12 trường hợp nêu trên, người sử dụng còn phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:

  • Phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm đã sử dụng;

  • Việc sử dụng tác phẩm không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

  • Việc sao chép không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật, chương trình máy tính; việc làm tuyển tập, hợp tuyển các tác phẩm.

Trong số 12 trường hợp ngoại lệ nêu trên, đáng lưu ý, hành vi “trích dẫn hợp lý tác phẩm” đã được cụ thể hóa tại Điều 23 Nghị định 22/2018/NĐ-CP. Theo đó, để được coi là “trích dẫn hợp lý tác phẩm” thì cần phải tuân thủ các điều kiện sau:

1. Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình.

2. Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

Như vậy, dường như theo quy định của Điều 23 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, “trích dẫn hợp lý” có thể được hiểu là trích dẫn một “phần”, chứ không phải là trích dẫn “toàn bộ”. Việc trích dẫn là phần được rút từ tác phẩm, tức một phần của tác phẩm, chứ không phải là dẫn lại toàn bộ tác phẩm. Điều này dường như phù hợp và logic.

Trích dẫn” được hiểu là việc “trích dẫn nguyên văn một câu hay một đoạn văn nào đó” theo Từ điển tiếng Việt, còn “hợp lý” thì được hiểu là “đúng lẽ phải, đúng với sự cần thiết hoặc logic của sự việc”.

Một tác phẩm có thể có nhiều câu văn, đoạn văn nên việc trích dẫn “toàn bộ tác phẩm” không nằm trong định nghĩa của “trích dẫn”.

Do vậy, quy định về trích dẫn chỉ nên được diễn giải theo hướng: “trích dẫn hợp lý một phần tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình”.

Cách diễn giải này phù hợp với Điều 10 Công ước Berne với quy định rằng: “được coi là hợp pháp những trích dẫn rút từ một tác phẩm đã được phổ cập tới công chúng một cách hợp pháp, miễn là sự trích dẫn đó là phù hợp với những thông lệ chính đáng và trong mức độ phù hợp với mục đích”.

Tuy nhiên, cách hiểu nêu trên vẫn chưa được khẳng định. Hiện vẫn chưa có cơ sở chắc chắn để khẳng định rằng, liệu việc sử dụng “nguyên văn và toàn bộ” tác phẩm của người khác cho mục đích phi lợi nhuận có thuộc nội hàm của quy định “trích dẫn hợp lý tác phẩm” theo các quy định của pháp luật về SHTT hiện hành tại Việt Nam hay không, có xâm phạm quyền tác giả hay không?

Và nếu không được phép trích dẫn toàn bộ tác phẩm, thì việc trích dẫn bao nhiêu phần trăm của tác phẩm mà không xin phép tác giả thì không bị coi là xâm phạm quyền tác giả.

Lời kết

Ranh giới giữa “sử dụng hợp lý” tác phẩm với “xâm phạm quyền tác giả” đôi khi rất mong manh và thường gây tranh cãi không dứt giữa chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng không xin phép.

Khi sử dụng tác phẩm của người khác mà không xin phép, việc hiểu, diễn giải đúng và tuân thủ các điều kiện luật định về “các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả” theo quy định của Luật SHTT Việt Nam có ý nghĩa quan trọng để tránh xâm phạm quyền SHTT của người khác.

05 yếu tố sau đây cần được đánh giá, xem xét thận trọng nếu sử dụng tác phẩm mà không xin phép tác giả:

(1) Mục đích của việc sử dụng (cho mục đích giáo dục, phi lợi nhuận hay có mục đích thương mại?);

(2) Thông tin về tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm đã được nêu rõ khi sử dụng tác phẩm có bản quyền hay chưa;

(3) Tác động, ảnh hưởng đến bản gốc như thế nào (có bị coi là sao chép tác phẩm, sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, việc sử dụng đó có mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hay không?);

(4) Số lượng và thực chất của phần được sử dụng trong tác phẩm được bảo hộ; và

(5) Vấn đề ảnh hưởng của việc sử dụng đó đối với thị trường tiềm năng hoặc đối với giá trị của tác phẩm được bảo hộ.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thủ tục đăng ký mới để nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm vật liệu nổ từ 01/01/2025

Thủ tục đăng ký mới để nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm vật liệu nổ từ 01/01/2025

Thủ tục đăng ký mới để nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm vật liệu nổ từ 01/01/2025

Việc đăng ký mới để nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm vật liệu nổ cần tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của cơ quan có thẩm quyền. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về thủ tục đăng ký mới để nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm vật liệu nổ từ 01/01/2025.

Thủ tục cấp phép xuất khẩu vật liệu nổ công nghiệp từ 01/01/2025

Thủ tục cấp phép xuất khẩu vật liệu nổ công nghiệp từ 01/01/2025

Thủ tục cấp phép xuất khẩu vật liệu nổ công nghiệp từ 01/01/2025

Xuất khẩu vật liệu nổ công nghiệp là một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật nhằm đảm bảo an toàn và an ninh quốc gia. Dưới đây là thông tin về thủ tục cấp phép xuất khẩu vật liệu nổ công nghiệp từ 01/01/2025.