Cổ đông sáng lập là gì? Phải sở hữu ít nhất bao nhiêu cổ phần?

Công ty cổ phần phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập, vậy, cổ đông sáng lập là gì và phải sở hữu ít nhất bao nhiêu cổ phần để trở thành cổ đông sáng lập? Theo dõi bài viết sau để có câu trả lời.

1. Cổ đông sáng lập là gì? Phải sở hữu ít nhất bao nhiêu cổ phần?

Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất 01 cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần (theo khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020).

Đồng thời, khoản 1 Điều 57 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP cũng quy định:

1.Cổ đông sáng lập quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong Danh sách cổ đông sáng lập nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Căn cứ các quy định trên, cổ đông sáng lập phải sở hữu ít nhất 01 cổ phần phổ thông.

Bên cạnh đó, điều kiện đi kèm theo là phải ký tên trong Danh sách cổ đông sáng lập nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 còn quy định thêm về cổ phần phổ thông của các cổ đông sáng lập như sau:

2. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Điều này có nghĩa là cổ đông sáng lập không chỉ có quyền sở hữu cổ phần phổ thông mà còn có nghĩa vụ phải mua cổ phần phổ thông tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.

Tóm lại, để trở thành một cổ đông sáng lập cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Sở hữu ít nhất 01 cổ phần phổ thông;

- Ký tên trong Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký kinh doanh;

- Cùng với các cổ đông sáng lập khác đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.

Cổ đông sáng lập là gì theo Luật Doanh nghiệp 2020 (Ảnh minh họa)

2. Quyền và nghĩa vụ của cổ đông sáng lập công ty cổ phần

2.1. Quyền của cổ đông sáng lập

Cổ đông sáng lập có các quyền như cổ đông phổ thông được quy định tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020 ngoại trừ quyền chuyển nhượng cổ phần phổ thông:

- Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

- Các hạn chế này được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và không áp dụng đối với cổ phần phổ thông mà:

  • Cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp;

  • Đã chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập.

Sở hữu cổ phần phổ thông là quyền và nghĩa vụ của cổ đông sáng lập (Ảnh minh họa)

2.2. Nghĩa vụ của cổ đông sáng lập

Theo Điều 119 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, cổ đông sáng lập có các nghĩa vụ như cổ đông phổ thông, cụ thể:

1. Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua.

2. Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.

3. Tuân thủ Điều lệ công ty và quy chế quản lý nội bộ của công ty.

4. Chấp hành nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.

5. Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

3. Cổ đông sáng lập có được chuyển nhượng cổ phần không?

Tùy từng trường hợp, cổ đông sáng lập được hoặc không được chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.

Trường hợp 1: Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo khoản 3, khoản 4 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập:

- Được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho cổ đông sáng lập khác;

- Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại Hội đồng cổ đông (cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó).

Lưu ý: Các hạn chế này không áp dụng đối với cổ phần phổ thông mà cổ đông sáng lập có được sau khi đăng ký kinh doanh; cổ phần phổ thông đã được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập.

Trường hợp 2: Đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, ngoại trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật/thừa kế (khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020).

Theo đó, chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết.

Như vậy, thông thường cổ đông sáng lập sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.

Trên đây là các thông tin về cổ đông sáng lập là gì, nếu cần tìm hiểu thêm hoặc có bất kỳ vướng mắc nào cần hỗ trợ hãy gọi ngay đến số 0938.36.1919 LuatVietnam sẽ giải đáp kịp thời.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thủ tục thành lập khu công nghệ cao [mới nhất]

Việc thành lập khu công nghệ cao không chỉ đóng vai trò trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập khu công nghệ cao.