1. Chỉ dẫn địa lý là gì?
Trước khi tìm hiểu về quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, bạn đọc biết rõ chỉ dẫn địa lý là gì.Theo khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 07/2022/QH15 (có hiệu lực từ 01/01/2023), chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ địa phương, khu vực, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể.
Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp bảo vệ danh tiếng, nâng cao giá trị cho sản phẩm, hàng hóa mà còn góp phần bảo tồn giá trị truyền thống của người dân địa phương.
Ví dụ: Nước mắm Phú Quốc, gốm Bát Tràng, Vải thiều Thanh Hà, chè Tân Cương, nho Ninh Thuận, lụa Vạn Phúc...
Chỉ dẫn địa lý thường bị nhầm với chỉ dẫn nguồn gốc, vì vậy cần phân biệt rõ hai loại chỉ dẫn này. Cụ thể:
- Chỉ dẫn địa lý chỉ là tên gọi (tên địa danh) và danh tiếng, uy tín của sản phẩm đạt đến mức đặc thù gắn liền với vùng địa lý nào đó.
- Chỉ dẫn nguồn gốc chỉ là dấu hiệu chỉ ra tên của nơi sản phẩm được tạo ra mà không cần dựa trên chất lượng hay tính chất đặc thù của sản phẩm.
- Chỉ dẫn nguồn gốc không đảm bảo về chất lượng của sản phẩm như chỉ dẫn địa lý mà chỉ giúp người tiêu dùng biết được xuất xứ của sản phẩm đó.
2. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý
Điều 88 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2022 quy định, quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước.
Nhà nước cho phép cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo luật của nước xuất xứ có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.
Lưu ý: Cá nhân, tổ chức thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
3. Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý
Theo khoản 4 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2022, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước.
Nhà nước sẽ trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương và đưa sản phẩm đó ra thị trường.
Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền này cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các cá nhân, tổ chức được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
4. Các hành vi thực hiện quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý
Sử dụng chỉ dẫn địa lý là việc thực hiện các hành vi quy định tại khoản 7 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 như sau:
- Gắn chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ lên bao bì, hàng hoá, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
- Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ;
- Nhập khẩu các loại hàng hoá có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
5. Điều kiện chung để bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2022 nêu rõ, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có nguồn gốc địa lý từ địa phương, khu vực, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của địa phương, khu vực, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng.
Lưu ý: Chỉ dẫn địa lý đồng âm đáp ứng điều kiện trên được bảo hộ nếu chỉ dẫn địa lý đó được sử dụng trên thực tế không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý và bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cá nhân, tổ chức sản xuất.
6. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý
Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý quy định tại Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2019:
- Tên gọi, chỉ dẫn trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam;
- Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;
- Chỉ dẫn địa lý bị trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu khác đang được bảo hộ hoặc đã nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu, nếu sử dụng chỉ dẫn địa lý đó thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa;
- Chỉ dẫn địa lý làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.