Quảng cáo thương mại là gì? Khác gì quảng cáo thông thường?

Quảng cáo thương mại là gì? Có đặc điểm nào để phân biệt với quảng cáo thông thường hay không? Cùng tìm hiểu các nội dung liên quan đến quảng cáo thương mại tại bài viết bên dưới.

1. Quảng cáo thương mại là gì? Khác gì quảng cáo thông thường?

Quảng cáo thương mại là gì?
Quảng cáo thương mại là gì? (Ảnh minh họa)

Trước hết về khái niệm quảng cáo, căn cứ Điều 2 Luật Quảng cáo 16/2012/QH13 có quy định:

Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân

Đồng thời, Điều 102 Luật Thương mại 36/2005/QH11 có quy định quảng cáo thương mại được xem là 01 trong những hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân, hoạt động này nhằm giới thiệu cho khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình.

Theo đó, quảng cáo thương mại là một bộ phận của hoạt động quảng cáo nói chung và được phân biệt với quảng cáo thông thường qua một số đặc điểm sau:

- Về chủ thể: Chủ thể thực hiện quảng cáo thương mại là thương nhân. Điều này được dùng để phân biệt quảng cáo thương mại với các quảng cáo do cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức khác thực hiện để thông tin, tuyên truyền chính sách,..

- Về mục đích của quảng cáo:

Đối với quảng cáo nói chung, mục đích có thể bao gồm cả mục đích lợi nhuận và phi lợi nhuận.

Tuy nhiên, mục đích của quảng cáo thương mại là giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của thương nhân để cung cấp thông tin, thu hút khách hàng nhằm mục tiêu lợi nhuận.

2.  Ai có quyền quảng cáo thương mại?

Căn cứ nội dung tại Điều 103 Luật Thương mại 2005, thương nhân Việt Nam, chi nhánh của thương nhân Việt Nam, chi nhánh thương nhân nước ngoài được phép hoạt động thương mại ở Việt Nam có quyền quảng cáo thương mại.

Các chủ thể này có quyền quảng cáo đối với hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc có thể lựa chọn thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo khác để thực hiện việc quảng cáo cho mình.

Lưu ý:

- Văn phòng đại diện không được phép trực tiếp thực hiện hoạt động quảng cáo thương mại. Nếu được thương nhân ủy quyền thực hiện thì Văn phòng đại diện có quyền ký hợp đồng với bên kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại để thực hiện quảng cáo cho thương nhân mình đại diện.

- Đối với thương nhân nước ngoài nếu muốn thực hiện quảng cáo thương mại cho hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình ở tại Việt Nam thì bắt buộc phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại khác tại Việt Nam để thực hiện.

3. Trường hợp nào bị cấm trong quảng cáo thương mại?

Quảng cáo thương mại bị cấm
Quảng cáo thương mại bị cấm (Ảnh minh họa)

Căn cứ Điều 109 Luật Thương mại 2005 (Sửa đổi bởi khoản 3 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 44/2019/QH14) có quy định 09 trường hợp quảng cáo thương mại bị cấm gồm:

- Thứ nhất là các quảng cáo làm lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

- Thứ hai là các quảng cáo có sử dụng sản phẩm, phương tiện quảng cáo trái truyền thống lịch sử, đạo đức, văn hoá, thuần phong mỹ tục Việt Nam và trái quy định pháp luật.

- Thứ ba là quảng cáo hàng hoá,dịch vụ bị Nhà nước cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh hoặc cấm quảng cáo.

- Thứ tư là các quảng cáo đối với thuốc lá, rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên và những sản phẩm, hàng hoá chưa được cấp phép lưu thông hoặc dịch vụ chưa được cấp phép cung ứng tại thị trường Việt Nam tại thời điểm quảng cáo.

- Thứ năm là trường hợp lợi dụng quảng cáo thương mại để gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, cá nhân, tổ chức.

- Thứ sáu là các quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ mà cùng loại của thương nhân khác.

- Thứ bảy là các quảng cáo sai sự thật đối với 1 trong những nội dung sau: Số lượng, chất lượng, công dụng, giá, xuất xứ, kiểu dáng, bao bì, giá, phương thức phục vụ và thời hạn bảo hành hàng hoá, dịch vụ.

- Thứ tám là các quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của mình bằng việc sử dụng sản phẩm quảng cáo có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng hình ảnh của cá nhân, tổ chức khác để quảng cáo khi chưa được các cá nhân, tổ chức đó đồng ý.

- Cuối cùng là các quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh theo quy định pháp luật.

4. Phương tiện và sản phẩm quảng cáo thương mại 

Tại Điều 106 Luật Thương mại 2005 có quy định phương tiện quảng cáo thương mại được xem là công cụ được sử dụng để giới thiệu các sản phẩm quảng cáo thương mại, cụ thể bao gồm:

- Thứ nhất, các phương tiện thông tin đại chúng;

- Thứ hai, các phương tiện truyền tin;

- Thứ ba, các loại xuất bản phẩm;

- Thứ tư, các loại bảng, biển, băng, áp-phích, pa-nô, phương tiện giao thông, vật thể cố định, hoặc vật thể di động khác;

- Cuối cùng là các phương tiện quảng cáo thương mại khác.

Căn cứ Điều 105 Luật Thương mại 2005 có quy định sản phẩm quảng cáo thương mại bao gồm những thông tin bằng hình ảnh, hành động, tiếng nói, âm thanh, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng chứa đựng nội dung quảng cáo thương mại.

Trên đây là thông tin liên quan đến quảng cáo thương mại là gì?
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục