Quản tài viên là ai?

Điều quan trọng khi làm thủ tục phá sản là khối tài sản của doanh nghiệp được dùng để phân chia cho các nghĩa vụ. Trong đó quản tài viên là người đóng vai trò chính trong việc quản lý và thanh lý các tài sản này.


Quản tài viên là ai?

Theo khoản 7 Điều 4 Luật Phá sản 2014, quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Quản tài viên được gọi là những người tiến hành thủ tục phá sản.

Căn cứ Điều 16 Luật Phá sản 2014, công việc chính (quyền và nghĩa vụ) của quản tài viên được quy định như sau:

- Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

- Đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật;

- Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc sau: Thu thập tài liệu, chứng cứ; tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp

* Điều kiện để trở thành quản tài viên

Theo Điều 12 Luật Phá sản 2014, điều kiện được hành nghề quản tài viên được quy định như sau:

“1. Những người sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:

a) Luật sư;

b) Kiểm toán viên;

c) Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.

2. Điều kiện được hành nghề Quản tài viên:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

c) Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.”

quan tai vien la aiNhững ai được hành nghề quản tài viên (Ảnh minh hoạ)

Cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên như thế nào?

Để hành nghề quản tài viên, trước tiên những người được quy định tại 1 Điều 12 Luật Phá sản 2014 phải nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên.

1. Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ để xin cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên được quy định tại Điều 6 Nghị định 22/2015/NĐ-CP, cụ thể:

* Đối với đối tượng tại khoản 1 Điều 12 Luật Phá sản 2014:

- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo mẫu TP-QTV-01 ban hành kèm theo Nghị định này;

- Bản chụp Thẻ luật sư đối với luật sư; bản chụp Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên; bản chụp bằng cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng đối với người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;

- Giấy tờ chứng minh có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực được đào tạo có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng làm việc;

- 2 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.

- Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp yêu cầu người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên nộp Phiếu lý lịch tư pháp.

* Đối với trường hợp luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về luật sư, kiểm toán viên là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về kiểm toán

- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo mẫu TP-QTV-02 ban hành kèm theo Nghị định 22/2015/NĐ-CP này;

- Bản chụp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài do Bộ Tư pháp cấp; bản chụp Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên là người nước ngoài do Bộ Tài chính cấp;

- Bản tóm tắt lý lịch (tự khai);

- 2 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.

2. Nơi nộp hồ sơ

Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gửi 01 bộ hồ sơ theo đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Bộ Tư pháp.

3. Thời hạn giải quyết

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên cho người đề nghị theo mẫu TP-QTV-08 ban hành kèm theo Nghị định này; trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.

4. Đối tượng không được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên

- Người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ,

- Người được xem là không có có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan

- Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Trên đây là một số quy định về chức danh quản tài viên và thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Tài sản của doanh nghiệp được xử lý ra sao khi phá sản?

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Luật Doanh nghiệp 2020 ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp nước ngoài?

Luật Doanh nghiệp 2020 ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp nước ngoài?

Luật Doanh nghiệp 2020 ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp nước ngoài?

Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có việc thành lập doanh nghiệp. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đang có nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.