Nghị định 78/2015: 6 điểm đổi mới trong đăng ký doanh nghiệp

Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp được ban hành đã giải quyết nhiều vướng mắc trong thực tiễn hoạt động đồng thời cũng đã đổi mới nhiều quy định, điển hình như:

1. Được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Nghị định 78/2015 đã bổ sung thêm quy định về việc ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp so với Nghị định 43/2010/NĐ-CP.

Theo đó, Điều 11 Nghị định số 78/2015 sửa đổi tại Nghị định 108/2018 nêu rõ:

Trường hợp người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp thì người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân

- Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực;

- Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

Đồng thời, nộp kèm theo:

  • Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; hoặc

  • Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Nghị định 78/2015: 6 điểm đổi mới trong đăng ký doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

2. Giảm thời gian đăng ký kinh doanh xuống còn 3 ngày

Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (khoản 1 Điều 28 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP).

Trước đây, theo Nghị định 43/2010/NĐ-CP, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 05 ngày làm việc.

Như vậy, hiện nay thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh giảm từ 05 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc.

3. Trước khi sử dụng con dấu chỉ cần gửi thông báo

Không còn phải đăng ký mẫu dấu tại cơ quan Công an (Ảnh minh họa)

Thay vì phải đăng ký mẫu dấu với cơ quan Công an như trước đây, hiện nay, doanh nghiệp được chủ động trong việc làm con dấu. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, nội dung và số lượng của con dấu.

Đặc biệt, trước khi sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu của doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để đăng tải thông báo về mẫu dấu trên Cổng Thông tin quốc gia.

Theo đó, nội dung thông báo gồm:

- Tên, mã số, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp hoặc chi nhánh hoặc văn phòng đại diện;

- Số lượng con dấu, mẫu con dấu, thời điểm có hiệu lực của mẫu con dấu.

Xem thêm: Hướng dẫn quản lý, sử dụng con dấu doanh nghiệp

4. Mã số doanh nghiệp chính là mã số thuế

Trước đây, doanh nghiệp trong nước hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký thuế, mã số đầu tư và mã số thuế là 02 mã số khác nhau.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 78/2015, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập mới tại Việt Nam không còn được cấp Giấy đăng ký thuế.

Thay vào đó là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mã số doanh nghiệp cũng chính là mã số thuế.

5. Cụ thể hóa quy trình đăng ký kinh doanh qua mạng

Quy định cụ thể trình tự đăng ký kinh doanh qua mạng (Ảnh minh họa)


Đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký kinh doanh qua Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Mặc dù, việc đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử đã được quy định từ Nghị định 43/2010 sửa đổi tại Nghị định 05/2013, song khi thực hiện còn nhiều khó khăn.

Nghị định 78/2015 đã dành riêng Chương V để quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng và sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh.

Đồng thời, quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng cũng được áp dụng đối với việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện…

6. Tách riêng “Đăng ký thay đổi” và “Thông báo thay đổi”

Trước đây theo Nghị Định 43/2010/NĐ-CP chỉ có một thủ tục là “Đăng ký thay đổi” nội dung đăng ký doanh nghiệp nhưng Nghị định 78/2015, tách riêng thành 02 loại thủ tục “Đăng ký thay đổi” và “Thông báo thay đổi”. 

Theo đó, một số nội dung trước đây thuộc trường hợp phải “Đăng ký thay đổi” thì nay chỉ cần “Thông báo thay đổi” như thay đổi ngành nghề kinh doanh, vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, nội dung đăng ký thuế, thay đổi thông tin do cổ đông sáng lập chưa thanh toán…

Bên cạnh đó, một số các nội dung trước đây không yêu cầu đăng ký hay thông báo thay đổi nay yêu cầu thông báo khi thay đổi, bao gồm:

- Thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp;

- Thay đổi thông tin cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài;

- Thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ;

- Thông báo cho thuê doanh nghiệp tư nhân;

- Thông báo thay đổi thông tin người đại diện theo ủy quyền.

Trên đây là một số điểm đổi mới trong hoạt động đăng ký kinh doanh theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP, hiện nay, Nghị định này được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 108/2018. Kéo theo đó là những thay đổi trong đăng ký doanh nghiệp và hộ kinh doanh cần chú ý.

>> Đăng ký kinh doanh 2019: 12 thay đổi nhất định phải biết

Hậu Nguyễn

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thủ tục thành lập khu công nghệ cao [mới nhất]

Việc thành lập khu công nghệ cao không chỉ đóng vai trò trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập khu công nghệ cao.