Vốn điều lệ là một trong những nội dung bắt buộc kê khai khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nên để vốn điều lệ bao nhiêu là hợp lý, cao hay thấp thì tốt hơn?
- 1. Để vốn điều lệ bao nhiêu là hợp lý?
- 2. Vốn điều lệ là gì? Ý nghĩa của vốn điều lệ
- 3. Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ
- 3.1. Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần
- 3.2. Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty TNHH 2 thành viên trở lên
- 3.3. Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty TNHH 1 thành viên
- 3.4. Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty hợp danh
1. Để vốn điều lệ bao nhiêu là hợp lý?
Trừ những ngành nghề có yêu cầu về vốn pháp định, việc để vốn điều lệ bao nhiêu không ảnh hưởng quá nhiều tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Pháp luật doanh nghiệp cũng không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, vốn điều lệ cũng chính là sự cam kết trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên với đối tác, khách hàng.
Do đó, không nên để mức vốn điều lệ quá thấp hoặc quá cao bởi lẽ:
- Vốn điều lệ ở mức quá thấp: Trách nhiệm vật chất của người góp vốn giảm xuống nhưng lại tạo tâm lý e ngại, thiếu tin tưởng của khách hàng, đối tác do không thể hiện được tiềm lực tài chính cũng như quy mô công ty.
Bên cạnh đó, việc để vốn điều lệ thấp/quá thấp cũng có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng, dù là vay tín chấp hay thế chấp thì không có ngân hàng nào dám đảm bảo các khoản vay vượt ngoài vốn điều lệ.
Thậm chí có thể xảy ra trường hợp chi phí cần cho hoạt động của công ty cao nhưng lại không đủ vốn điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của công ty.
- Vốn điều lệ ở mức quá cao: Trách nhiệm vật chất tăng, tính chịu rủi ro của người góp vốn cũng tăng theo nhưng sẽ dễ dàng tạo sự tin tưởng với đối tác, khách hàng hơn đặc biệt trong các hoạt động đấu thầu… Đồng thời sẽ liên quan tới số thuế môn bài mà doanh nghiệp phải đóng theo Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP:
Stt | Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư | Lệ phí môn bài phải nộp |
1 | Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư > 10 tỷ đồng | 03 triệu đồng/năm |
2 | Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư ≤ 10 tỷ đồng | 02 triệu đồng/năm |
3 | Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác | 01 triệu đồng/năm |
Có 2 thời điểm trong năm khi thành lập, lệ phí môn bài có sự chênh lệch với nhau:
- Thành lập trong 06 tháng đầu năm (01/01 - 30/6): Đóng 100% mức lệ phí môn bài theo quy định;
- Thành lập trong 06 tháng cuối năm (01/07 - 31/12): Phải đóng 50% mức lệ phí môn bài theo quy định.
Trường hợp tổ chức thuộc bậc 1 và bậc 2 có thay đổi vốn điều lệ/vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ/vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.
Vì vậy, khi đăng ký vốn điều lệ, cần cân nhắc đến các yếu tố như khả năng tài chính, quy mô kinh doanh, định hướng phát triển…
2. Vốn điều lệ là gì? Ý nghĩa của vốn điều lệ
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần (theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020).
Theo đó, hiểu đơn giản rằng, vốn điều lệ chính là mức vốn mà các thành viên cam kết góp tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp dự kiến kinh doanh những ngành nghề không yêu cầu vốn pháp định thì có thể đăng ký vốn điều lệ tùy theo loại hình, quy mô và định hướng kinh doanh của mình.
Còn đối với những doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, mức vốn điều lệ phải đảm bảo bằng/lớn hơn mức vốn pháp định.
Nhìn chung, pháp luật không quy định vốn điều lệ tối thiểu, tối đa cần có khi thành lập công ty
Đối với doanh nghiệp, vốn điều lệ có ý nghĩa:
- Là sự cam kết mức trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên với khách hàng, đối tác, cũng như với doanh nghiệp;
- Vốn đầu tư cho hoạt động của doanh nghiệp;
- Cơ sở để phân chia lợi nhuận cũng như quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên tham gia góp vốn.
Ngoài ra, vốn điều lệ còn cho thấy quy mô, năng lực tài chính, vị trí của công ty trên thị trường.
3. Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ
3.1. Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần
- Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cồ phần theo các hình thức sau đây:
Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
Chào bán cổ phần riêng lẻ;
Chào bán cổ phần ra công chúng.
- Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp:
Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
Công ty mua lại cổ phần đã bán theo Điều 132, Điều 133 Luật Doanh nghiệp 2020;
Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020.
3.2. Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty TNHH 2 thành viên trở lên
- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp:
Tăng vốn góp của thành viên;
Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.
- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp:
Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020;
Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020.
3.3. Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty TNHH 1 thành viên
- Công ty TNHH 1 thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn/huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.
- Công ty TNHH 1 thành viên giảm vốn điều lệ trong trường hợp:
Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;
Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020.
3.4. Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty hợp danh
- Công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc tiếp nhận thêm thành viên hợp danh/thành viên góp vốn.
- Công ty hợp danh giảm vốn điều lệ thông qua việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.
Trên đây là giải đáp về việc để vốn điều lệ bao nhiêu là hợp lý, nếu có thắc mắc liên quan, hãy gọi ngay tới tổng đài 0938.36.1919 để các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn miễn phí.