Trong quá trình tìm kiếm mã cổ phiếu, bạn có thể gặp phải các mã có dấu sao (*) ở đằng sau. Vậy mã cổ phiếu có dấu sao là gì và có ý nghĩa như thế nào?
1. Mã cổ phiếu có dấu sao là gì?
Mã cố phiếu có dấu sao là cổ phiếu mà ngày hôm đó có sự kiện liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Nếu sử dụng bảng giá của VND thì có thể bấm vào mã cổ phiếu đó, bên cạnh tab lịch sử khớp lệnh sẽ có tab lịch sự kiện, vào xem thì sẽ biết hôm đó có sự kiện gì diễn ra.
Mã chứng khoán (tiếng Anh là Ticker Symbol/Stock Symbol) là các ký tự bằng chữ cái, được liệt kê, sắp xếp và hiển thị trên 01 sàn giao dịch công khai, dùng để chỉ 01 chứng khoán cụ thể. Ở Việt Nam, mã chứng khoán đại diện luôn cho mã cổ phiếu của công ty phát hành.
Ví dụ về một số mã chứng khoán của Việt Nam là:
Mã chứng khoán ACB - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu
Mã chứng khoán BID - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam
Mã chứng khoán VCB - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam
Mã chứng khoán BVH - Tập đoàn Bảo Việt
Mã chứng khoán FPT - Công ty Cổ phần FPT
Dấu sao trong mã chứng khoán có ý nghĩa như sau:
Lưu ý về sự kiện liên quan đến mã cổ phiếu ngày hôm đó, có thể là những sự kiện lớn như Đại hội cổ đông/ngày chi trả cổ tức... Giúp cho các nhà đầu tư theo dõi lịch sự kiện nổi bật của các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu dễ dàng hơn
Nhằm thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư đối với mã cổ phiếu đó. Việc gắn dấu sao sẽ giúp các nhà đầu tư theo dõi thông tin tiện lợi hơn, từ những thông tin này, nhà đầu tư có thể đưa ra nhận định cơ bản để có những quyết định phù hợp.
Như vậy, mã cổ phiếu có dấu sao là mã cổ phiếu có sự kiện liên quan ngày hôm đó.
2. Cách đọc bảng giá chứng khoán
Bảng giá chứng khoán là nơi thể hiện tất cả thông tin liên quan đến giá và các giao dịch cổ phiếu của thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có hai bảng giá riêng đại diện cho hai Sở giao dịch chứng khoán chính thức gồm bảng giá của HOSE (Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh) và bảng giá HNX (Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội).
Trong đó, bảng giá HNX bao gồm sàn HNX và thị trường UPCOM. Ngoài ra, trên bảng giá còn có các loại hàng hóa khác như chứng quyền, chứng khoán phái sinh...
Ngoài bảng giá được cung cấp bởi mỗi Sở, mỗi công ty chứng khoán cũng xây dựng một bảng giá riêng phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên, về cơ bản các bảng giá này là hoàn toàn giống nhau và dữ liệu đều được cập nhật từ hai Sở giao dịch và Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Khi đọc bảng giá chứng khoán cần biết một số chi tiết sau:
2.1. Cách đọc Hệ thống đồ thị chỉ số:
- VN-Index: Là chỉ số thể hiện xu hướng biến động giá của tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).
- VN30: Là chỉ số giá của 30 cổ phiếu bluechip trên thị trường.
- VNXAllShare: Là chỉ số chung thể hiện sự biến động của tất cả giá cổ phiếu đang niêm yết trên HoSE và HNX.
- HNX-Index: Là chỉ số được tính toán dựa trên biến động giá cả tất cả cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
- UPCOM: Là chỉ số được tính toán dựa trên biến động giá cả tất cả các cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM, thuộc HNX.
2.2. Cách đọc các cột trên bảng giá:
- "Mã CK" (Mã chứng khoán): Là danh sách các mã chứng khoán giao dịch (được sắp xếp theo thứ tự từ A – Z).
- "TC" (Giá Tham chiếu - Màu vàng): Là mức giá đóng cửa tại phiên giao dịch gần nhất trước đó (trừ các trường hợp đặc biệt). Giá tham chiếu được lấy làm cơ sở để tính toán biên độ giao dịch của cổ phiếu trong phiên.
Riêng sàn UPCoM, giá tham chiếu được tính bằng giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất.
- "Trần" (Giá Trần –m,,,,,,, Màu tím): Là mức giá cao nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Với sàn HoSE, giá trần tính bằng giá tham chiếu x 7%, sàn HNX là 10% và UPCoM là 15%.
- "Sàn" (Giá Sàn - Màu xanh lam): Mức giá thấp nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Biên độ tương ứng với giá trần nhưng là chiều giảm.
- "Tổng KL" (Tổng khối lượng): Là khối lượng cổ phiếu được giao dịch trong một phiên.
- "Bên mua": Khu vực này hiển thị ba mức giá đặt mua tốt nhất (giá đặt mua cao nhất) và khối lượng đặt mua tương ứng.
- "Bên bán": Hiển thị ba mức giá chào bán tốt nhất (giá chào bán thấp nhất) và khối lượng chào bán tương ứng.
- "Khớp lệnh": Khu vực này biểu thị mức giá khớp lệnh gần nhất của một cổ phiếu, bao gồm giá khớp lệnh, khối lượng khớp lệnh và biên độ giá so với tham chiếu.
- "Giá", bao gồm các cột "Giá cao nhất", "Giá thấp nhất" và "Giá TB": Biểu thị biên độ biến động thực tế của cổ phiếu trong phiên giao dịch.
- "Dư mua/Dư bán": Biểu thị khối lượng cổ phiếu đang chờ khớp ở hai chiều mua và bán.
- "ĐTNN" (Đầu tư nước ngoài): Là khối lượng cổ phiếu được giao dịch của Nhà đầu tư nước ngoài trong ngày giao dịch (gồm hai cột Mua và Bán).
Trên đây là cách hiểu về cổ phiếu có dấu sao là gì, nếu có thắc mắc, vui lòng gọi ngay tới 0938.36.1919 để được hỗ trợ kịp thời.