Logistic là gì? Logistic gồm những dịch vụ gì?

Các công ty kinh doanh về dịch vụ logistic ngày càng nhiều vì đây là ngành, nghề đang có tiềm năng lớn. Vậy logistic là gì? Doanh nghiệp muốn đăng ký hoạt động ngành, nghề này phải đáp ứng những điều kiện nào?

1. Khái niệm logistic là gì?

1.1 Ngành logistic theo quy định của pháp luật Việt Nam

Điều 233 Luật Thương Mại 2005 định nghĩa về dịch vụ logistic như sau:

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc.

1.2. Ngành logistics theo quy định của pháp luật quốc tế

Logistic được hội đồng chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng Hoa Kỳ định nghĩa là quá trình hoạch định, thực hiện, kiểm soát lưu thông, tích trữ hàng hóa, nguyên liệu, thành phẩm và bán thành phẩm. Dịch vụ này thực hiện các khâu từ khởi đầu đến kết thúc để đảm bảo các yêu cầu của khách hàng.

Còn theo World Maritime University - Đại học hàng hải thế giới, logistics là quá trình xây dựng kế hoạch, cung cấp và quản lý quy trình chuyển giao và lưu kho cho hàng hoá, dịch vụ và thông tin của hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhằm đáp ứng các yêu cầu từ phía khách hàng.

Như vậy, có thể hiểu logistic là tập hợp tất cả các hoạt động giao nhận và công việc liên quan đến quá trình cung ứng, vận chuyển, lưu kho bãi, thủ tục hải quan, phân phối hàng hoá…


2. Phân loại dịch vụ logistic

Sau đây là các loại dịch vụ cụ thể để bạn đọc có cái nhìn thực thế về logistic là gì:

STT

Tên dịch vụ

1

Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay

2

Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.

3

Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.

4

Dịch vụ chuyển phát.

5

Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.

6

Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan).

7

Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.

8

Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.

9

Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển.

10

Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.

11

Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt.

12

Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.

13

Dịch vụ vận tải hàng không.

14

Dịch vụ vận tải đa phương thức.

15

Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật.

16

Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.

17

Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại.

*Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP

3. Điều kiện kinh doanh logistic như thế nào?

Xoay quanh chủ đề logistic là gì, điều kiện kinh doanh logistic cũng là một trong những nội dung được khá nhiều người quan tâm.

Căn cứ Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, để hoạt động kinh doanh dịch vụ logistic, doanh nghiệp phải đăng ký thành lập doanh nghiệp với mã ngành nghề: 52292

Cụ thể, Điều 4 Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện chung khi kinh doanh dịch vụ logistic như sau:

- Thương nhân kinh doanh các dịch vụ thuộc dịch vụ logistics phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.

Ví dụ:

Dịch vụ vận tải hàng hải: Đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển theo Nghị định 160/2016/NĐ-CP

- Thương nhân tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, bên cạnh việc đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics:

Ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện trên, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:

-Trường hợp vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa):

  • Được thành lập các công ty vận hành đội tàu có treo cờ Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 49%.

  • Tổng số thuyền viên người nước ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam thuộc sở hữu của các công ty này không vượt quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng/thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam.

  • Công ty vận tải biển nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp.

- Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc nhóm các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, được thành lập doanh nghiệp/góp vốn/mua cổ phần trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 50%.

Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

- Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc nhóm các dịch vụ hỗ trợ phương thức vận tải, trừ dịch vụ tại các sân bay, được thành lập doanh nghiệp/góp vốn/mua cổ phần trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%.

- Trường hợp kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc nhóm các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, được thành lập doanh nghiệp/góp vốn/mua cổ phần trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước.

Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

- Trường hợp kinh doanh các dịch vụ khác, bao gồm: Kiểm tra vận đơn, môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ, được thành lập doanh nghiệp/góp vốn/mua cổ phần trong doanh nghiệp, trong đó có phần vốn góp của nhà đầu tư trong nước.

- Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa đường thủy nội địa/đường sắt, được thành lập doanh nghiệp/góp vốn/mua cổ phần trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 49%.

- Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ, được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh/thành lập doanh nghiệp/góp vốn/mua cổ phần trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51%. Đồng thời, 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.

- Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không thì thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không.

- Trường hợp kinh doanh dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật

  • Đối với dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ được thực hiện dưới hình thức doanh nghiệp có vốn góp của nhà đầu tư trong nước sau 03 năm hoặc dưới hình thức doanh nghiệp không hạn chế vốn góp nhà đầu tư nước ngoài sau 05 năm, kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ tư nhân thì được phép kinh doanh các dịch vụ đó.

  • Không được kinh doanh dịch vụ kiểm định, cấp giấy chứng nhận cho phương tiện vận tải.

  • Việc thực hiện dịch vụ phân tích, kiểm định kỹ thuật bị hạn chế tại các khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định vì lý do an ninh quốc phòng.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện kinh doanh logistics, nhà đầu tư được phép lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư tại một trong các điều ước đó.

Phạm vi hoạt động của ngành logistic rất rộng (Ảnh minh họa)

4. Hệ thống các văn bản hiện hành quy định về dịch vụ logictics

Sau đây là bảng tổng hợp các văn bản quy định về dịch vụ logistic tại Việt Nam:

Loại hình

Luật

Nghị định

Quyết định, Thông tư

Dịch vụ vận tải đa phương thức

Nghị định 87/2009/NĐ-CP về vận tải đa phương thức

Nghị định 144/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức

Dịch vụ vận tải hàng hải

Bộ luật Hàng hải 2015

Nghị định 160/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển

Quyết định 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030

Luật Biển Việt 2013

Dịch vụ vận tải đường thuỷ nội địa

Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004

Nghị định 110/2014/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa

Thông tư 66/2014/TT-BGTVT ngày 12/11/2014 quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc giữa các cảng, bến, vùng nước thuộc nội thủy Việt Nam và qua biên giới

Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014

Dịch vụ vận tải hàng không

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006

Nghị định 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung

Thông tư 81/2014/TT-BGTVT quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung

Luật sửa đổi Luật Hàng không dân dụng 2014

Thông tư 21/2020/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 81/2014/ TT-BGTVT, Thông tư 14/2015/ TT-BGTVT và Thông tư 33/2016/ TT-BGTVT

Dịch vụ vận tải đường sắt

Luật Đường sắt 2017

Nghị định 65/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đường sắt

Thông tư 09/2018/TT-BGTVT về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia

Dịch vụ vận tải đường bộ

Luật Giao thông đường bộ 2008

Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Thông tư 12/2020/TT-BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

Hệ thống kho tại biên giới

Quyết định 1093/QĐ-BCT ngày 03/02/2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến 2025, tầm nhìn đến 2035

Cảng cạn (ICD)

Quyết định 2072/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030

5. Câu hỏi thường gặp về logistic

Hiện nay, nhiều học sinh vẫn chưa thực sự hiểu logistic là gì để tự tin chọn ngành học, trường học. Sau đây là một số câu hỏi liên quan đến ngành logistic và cơ hội việc làm trong ngành này:

5.1. Ngành logtics học những môn gì?

Khi theo học ngành Logistics, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức chuyên ngành qua các môn học như: Tiếng Anh chuyên ngành Logistics; Quản lý khai thác cảng; Quản lý chuỗi cung ứng; Nghiệp vụ hải quan;  Kiểm soát lưu kho; Quản lý kho hang...

5.2. Học logistics ở đâu?

Một số trường đại học nổi bật về đào tạo logistics hiện nay:

- Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh

Ngành và chuyên ngành đào tạo Logistics của trường gồm: Kinh tế vận tải, Khai thác vận tải, Khoa học hàng hải.

- Trường đại học Hàng hải Việt Nam

Ngành đào tạo logistics của trường gồm: Kinh tế vận tải, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Khoa học Hàng hải, Kỹ thuật tàu thủy, Kỹ thuật công trình biển

Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh

Ngành và chuyên ngành đào tạo logistics của trường gồm: Quản lý Công nghiệp và Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp.

5.3. Học logistics ra làm gì?

Học về logistic ra trường có thể làm rất nhiều công việc như: Nhân viên vận hành kho, nhân viên chứng từ, nhân viên kinh doanh Logistics, chuyên viên thu mua, nhân viên cảng vụ, nhân viên giao nhận, công chức hải quan, chuyên viên thanh toán quốc tế, nhân viên chăm sóc khách hàng...

6. Tương lại phát triển ngành logistic ở Việt Nam

Theo Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017, được sửa đổi bởi Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 22/02/2021, nước ta đặt mục tiêu đến năm 2025 về ngành logistic như sau:

- Tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt đạt từ 05% - 06%;

- Tốc độ tăng trưởng các dịch vụ logistics đạt 15% - 20%;

- Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 50% - 60%;

- Các chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP;

- Việt Nam xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Trên đây là giải thích về logistic là gì và các vấn đề liên quan. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192  để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(5 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thủ tục thành lập khu công nghệ cao [mới nhất]

Việc thành lập khu công nghệ cao không chỉ đóng vai trò trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập khu công nghệ cao.