Các trường hợp phải ký quỹ theo Luật Đầu tư 2020

Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư trong một số trường hợp. Cụ thể, nhà đầu tư phải ký quỹ trong trường hợp nào?

1. Các trường hợp phải ký quỹ trong đầu tư

Theo khoản 1 Điều 43, khoản 4 Điều 77 Luật Đầu tư năm 2020, khoản 1 Điều 25 Nghị định 31/2021/NĐ-CP:

Nhằm bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhà đầu tư phải ký quỹ/có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp:

- Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê;

- Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án có sử dụng đất;

- Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ/đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định ở văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư;

- Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác;

- Dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận, cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật trước 01/7/2015 mà thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

Như vậy, nhà đầu tư phải ký quỹ trong trường hợp thực hiện dự án có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Lưu ý: Trường hợp nhà đầu tư điều chỉnh mục tiêu, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất sau ngày 01/01/2021 thì phải thực hiện ký quỹ/có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ theo quy định.

ky quy theo luat dau tu 2020Ký quỹ theo Luật Đầu tư 2020 (Ảnh minh họa)

2. Hình thức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án

Nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư (theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 31/2021 của Chính phủ).

Theo đó, thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư gồm nội dung chủ yếu sau:

- Tên dự án, mục tiêu, địa điểm, quy mô, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

- Biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;

- Số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;

- Thời điểm, thời hạn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;

- Điều kiện hoàn trả, điều chỉnh, chấm dứt bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;

- Biện pháp xử lý trong trường hợp số tiền bảo đảm thực hiện dự án chưa được hoàn trả được nộp vào ngân sách nhà nước;

- Các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm khác của các bên;

- Những nội dung khác theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

3. Mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

Theo khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư 2020 và khoản 2 Điều 26 Nghị định 31/2021/ NĐ-CP:

- Căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án đầu tư, mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 01% đến 03% vốn đầu tư của dự án đầu tư, cụ thể:

+ Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ là 3%;

+ Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 2%;

+ Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%.

- Trường hợp dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn đầu tư thì số tiền ký quỹ được nộp và hoàn trả theo từng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.

Trong đó, vốn đầu tư của dự án không bao gồm: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp cho Nhà nước cũng như chi phí xây dựng các công trình thuộc dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nghĩa vụ bàn giao cho Nhà nước quản lý sau khi hoàn thành (nếu có).

Nếu tại thời điểm ký Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư mà chưa xác định được chính xác chi phí xây dựng các công trình bàn giao cho Nhà nước thì cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ vào dự toán chi phí trong Đề xuất dự án do nhà đầu tư lập để xác định số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

Trên đây là một số thông tin về ký quỹ theo Luật Đầu tư 2020, nếu có vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Từ 01/01/2025, quy định mới về đầu tư lĩnh vực giáo dục, thể thao văn hoá trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có hiệu lực, mở ra những chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024. Cùng theo dõi chi tiết tại bài viết dưới đây.