Có được ký hợp đồng trước khi thành lập công ty không?

Trong thực tế có rất nhiều hợp đồng, giao dịch được ký kết trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Vậy theo quy định của pháp luật, có được ký hợp đồng trước khi thành lập công ty hay không?

1. Có được ký hợp đồng trước khi thành lập công ty?

Người thành lập doanh nghiệp được quyền ký hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp để phục vụ cho việc thành lập/hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký doanh nghiệp.

Theo khoản 1 Điều 18 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.

Trong đó, người thành lập doanh nghiệp được hiểu là cá nhân, tổ chức thành lập/góp vốn để thành lập doanh nghiệp.

Như vậy, người thành lập doanh nghiệp được phép ký hợp đồng trước khi thành lập công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động công ty như: Hợp đồng thuê trụ sở; Hợp đồng dịch vụ pháp lý với văn phòng/công ty luật để thực hiện thủ tục thành lập công ty; Hợp đồng thỏa thuận góp vốn...

Ký hợp đồng trước khi thành lập công ty được không?
Ký hợp đồng trước khi thành lập công ty được không? (Ảnh minh họa)

2. Lưu ý về hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp

Một trong các bên ký hợp đồng phải là người thành lập doanh nghiệp

Hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể được hiểu theo 02 cách sau:

- Là những hợp đồng được ký kết trước khi đăng ký kinh doanh liên quan đến hoạt động phục vụ cho việc thành lập, hoạt động công ty như: Hợp đồng thuê trụ sở, hợp đồng dịch vụ pháp lý với văn phòng/công ty luật để thực hiện thủ tục thành lập công ty…

- Là các hợp đồng, giao dịch khác liên quan đến hoạt động của công ty: Hợp đồng thỏa thuận góp vốn, Hợp đồng thỏa thuận về quản lý điều hành, bồi thường thiệt hại…

Có thể thấy, một trong các bên tham gia ký kết hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp phải là người thành lập doanh nghiệp và có thể là:

- Giữa người thành lập doanh nghiệp với bên thứ ba;

- Giữa những người thành lập doanh nghiệp với nhau.

Mục đích ký hợp đồng trước đăng ký kinh doanh

Hợp đồng này bắt buộc phải nhằm mục đích phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí xác định mục đích như vậy, nên khi giao kết hợp đồng các bên cần quy định rõ mục đích này trong hợp đồng.

Lưu ý, nếu hợp đồng được người thành lập công ty ký kết nhưng không phải để phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký kinh doanh thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định này mà thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.

Trách nhiệm của các bên tham gia ký kết hợp đồng

- Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết

- Trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.

Để hạn chế rủi ro, các thành viên hoặc cổ đông sáng lập nên thỏa thuận cụ thể với nhau về nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ việc ký hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp.

3. Chi phí trước khi thành lập doanh nghiệp có được trừ?

Thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Theo điểm b khoản 12 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC, trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư, được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Việc kê khai, khấu trừ được thực hiện theo hóa đơn GTGT đứng tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền và phải thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên.

Chi phí trước khi thành lập doanh nghiệp có được trừ?
Chi phí trước khi thành lập doanh nghiệp có được trừ? (Ảnh minh họa)

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Về nguyên tắc mọi khoản chi thực tế có đủ hóa đơn, chứng từ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (theo Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC).

Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC, chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa 03 năm.

Trên đây là giải đáp về vấn đề ký hợp đồng trước khi thành lập công ty, nếu còn thắc mắc, vui lòng gọi ngay đến tổng đài 19006192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam giải đáp và hỗ trợ nhanh chóng.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục