6 doanh nghiệp không thành lập theo Luật Doanh nghiệp

Không phải cứ là doanh nghiệp thì sẽ đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Theo quy định, 6 doanh nghiệp này không thành lập theo Luật Doanh nghiệp.

1- Văn phòng công chứng

Văn phòng công chứng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh (theo khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng 2014).

Như vậy, Văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh, có 2 công chứng viên hợp danh trở lên.

Tuy nhiên, khác với công ty hợp danh thành lập theo Luật Doanh nghiệp, ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn, Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.

Đồng thời, người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng (Trưởng Văn phòng) phải đáp ứng các yêu cầu:

- Phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng;

- Đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.

không thành lập theo Luật Doanh nghiệp
6 doanh nghiệp không thành lập theo Luật Doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

2- Văn phòng luật sư/Công ty luật

Tổ chức hành nghề luật sư gồm Văn phòng luật và Công ty luật. Tổ chức hành nghề luật sư được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012.

Trong đó,

- Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng.

- Công ty luật gồm công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Thành viên của công ty luật phải là luật sư.

Công ty luật hợp danh

Công ty luật TNHH

Do ít nhất 2 luật sư thành lập và không có thành viên góp vốn

gồm công ty luật TNHH 2 thành viên trở lên và công ty luật TNHH 1 thành viên

- Công ty luật TNHH 2 thành viên trở lên do ít nhất 2 luật sư thành lập

- Công ty luật TNHH 1 thành viên do 1 luật sư thành lập và làm chủ sở hữu

3- Văn phòng giám định tư pháp

Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

Văn phòng giám định tư pháp do UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở xem xét, quyết định cho phép thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp (Điều 16 Luật Giám định tư pháp 2012).

Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.

4- Doanh nghiệp bảo hiểm

doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập theo Luật Doanh nghiệp
Các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập theo Luật Doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Các tổ chức kinh doanh bảo hiểm gồm có:

- Công ty cổ phần bảo hiểm;

- Công ty TNHH bảo hiểm;

- Hợp tác xã bảo hiểm;

- Tổ chức tương hỗ bảo hiểm.

Các tổ chức này do Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 sửa đổi năm 2010.

5- Công ty chứng khoán/ Công ty quản lý quỹ

Theo khoản 1 Điều 59 Luật Chứng khoán 2006, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (công ty quản lý quỹ) được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Được tổ chức theo loại hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần nhưng công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động. Giấy phép này đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

6- Doanh nghiệp đấu giá tài sản

Tổ chức đấu giá tài sản gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Trong đó, doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016.

Tên của doanh nghiệp đấu giá tư nhân do chủ doanh nghiệp lựa chọn. Tên của công ty đấu giá hợp danh do các thành viên thỏa thuận lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng bắt buộc phải bao gồm cụm từ “doanh nghiệp đấu giá tư nhân” hoặc “công ty đấu giá hợp danh”.

Lưu ý: Doanh nghiệp đấu giá tư nhân có chủ doanh nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp.

Công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên.

>> Đăng ký kinh doanh 2019: 12 thay đổi nhất định phải biết

Hậu Nguyễn

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục