1. Quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Trước khi tìm hiểu quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp thì phải tìm hiểu đối tượng được quyền nộp đơn đăng ký. Theo đó, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 25 Điều 1 Luật 2022 (có hiệu lực từ 01/01/2023) cụ thể:
- Tác giả hoặc người thừa kế hợp pháp của tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng chính công sức, chi phí của mình;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả với hình thức giao việc, thuê việc trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, đối tượng khác có thể ký với tác giả thông qua văn bản chuyển giao quyền nộp đơn cũng có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp kể cả khi đơn đã nộp.
Lưu ý:
Trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ, chủ kiểu dáng công nghiệp cần tra cứu kiểu dáng công nghiệp để kiểm tra khả năng đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đó.
2. Quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Sau khi tra cứu khả năng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp thực hiện quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Hai tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp: Nhiều người sở hữu chung kiểu dáng công nghiệp, đánh dấu x vào nội dung yêu cầu cấp phó văn bằng bảo hộ cho các chủ đơn khác trên Tờ khai.
- Một bản mô tả kiểu dáng công nghiệp (bao gồm cả hình vẽ, nếu có): Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải trình bày đầy đủ, rõ ràng bản chất của kiểu dáng công nghiệp; phù hợp với bộ ảnh chụp hoặc bộ hình vẽ và gồm các nội dung sau:
- Tên sản phẩm/bộ phận sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp;
- Chỉ số phân loại kiểu dáng công nghiệp quốc tế (theo Thoả ước Locarno);
- Lĩnh vực sử dụng của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp;
- Các kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết;
- Ảnh chụp hoặc hình vẽ.
- Bản chất và đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ khác biệt với kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.
- Bốn bộ ảnh chụp/bản vẽ:
- Phải rõ ràng và sắc nét. Không được lẫn các sản phẩm khác với sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ.
- Phải theo cùng một tỉ lệ.
- Kích thước mỗi ảnh chụp/hình vẽ không được nhỏ hơn (90 x 120) mm và không được lớn hơn (210 x 297) mm.
- Phải thể hiện đầy đủ bản chất của kiểu dáng công nghiệp như đã được mô tả nhằm xác định phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đó.
- Giấy ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nếu đơn nộp thông qua đại diện.
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác); quyền ưu tiên (nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
- Chứng từ nộp phí, lệ phí (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Để nộp hồ sơ, người nộp đơn có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 02 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng theo địa chỉ sau đây:
Cục Sở hữu trí tuệ: Số 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội;
Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 - 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh;
Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Bước 3: Xử lý hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ
1. Thẩm định hình thức đơn
Kiểm tra tính hợp lệ của đơn theo các yêu cầu về hình thức, về đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn… để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không.
- Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
- Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót.
Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn
Thời gian thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
2. Công bố đơn
Sau khi có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ.
Nội dung công bố đơn đăng ký kiều dáng công nghiệp là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.
3. Thẩm định nội dung đơn
Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (có tính mới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Thời hạn thẩm định nội dung: 07 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Bước 4: Ra Quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ
- Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
- Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
3. Phí, lệ phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng;
- Phí phân loại kiểu dáng công nghiệp: 100.000 đồng/phân loại;
- Phí thẩm định đơn: 700.000 đồng/đối tượng;
- Phí công bố đơn: 120.000 đồng;
- Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000 đồng/hình;
- Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 480.000 đồng/đối tượng;
- Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000 đồng/đơn ưu tiên.
Lưu ý:
Đối với trường hợp kiểu dáng công nghiệp thuộc sở hữu chung của nhiều cá nhân tổ chức thì chỉ cấp văn bằng bảo hộ cho người đầu tiên trong danh sách những người nộp đơn chung.