1. Đăng ký bản quyền Youtube để làm gì?
YouTube là một nền tảng chia sẻ thông tin dưới dạng video. Những video đăng tải trên Youtube là các tác phẩm ghi âm, ghi hình, cuộc biểu diễn hoặc các chương trình phát sóng.
Những nhà sáng tạo trên Youtube không chỉ đem lại giá trị về mặt nội dung cho người xem mà còn tạo nên thương hiệu cho mình. Chính vì vậy, việc đăng ký bản quyền Youtube không chỉ có đăng ký bảo hộ cho các video, hình ảnh, bài hát được chủ kênh đăng tải mà còn bao gồm cả đăng ký bảo hộ về thương hiệu.
Pháp luật nói chung và cơ chế hoạt động của Youtube nói riêng không có quy định bắt buộc những nhà sáng tạo nội dung phải thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền cho các bản nhạc, video hay thương hiệu của mình.
Tuy nhiên khi đăng ký bản quyền Youtube, chủ sở hữu kênh sẽ được bảo đảm tốt nhất đối với các quyền lợi có liên quan.
Đối với thương hiệu Youtube, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp sẽ là cơ sở pháp lý để chủ sở hữu độc quyền khai thác mọi lợi ích thương mại đối với thương hiệu, là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chống lại các hành vi xâm hại nhãn hiệu.
Đối với các tác phẩm sáng tạo đăng tài trên Youtube, đăng ký bản quyền là cách hợp thức hóa quyền sở hữu trí tuệ vô hình từ tác phẩm. Trường hợp tác phẩm bị sao chép, xuyên tạc, khai thác thương mại trái phép... chủ sở hữu có thể yêu cầu can thiệp, xử lý, bảo hộ quyền tác giả chính đáng.2. Cách đăng ký bản quyền thương hiệu kênh Youtube
Trên nền tảng Youtube, tên và logo của kênh chính là dấu hiệu dễ nhận biết nhất để phân biệt với các kênh khác.
Về bản chất đăng ký bản quyền thương hiệu kênh Youtube là đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu, tên gọi của kênh đăng tải nội dung trên Youtube.
Đối tượng được bảo hộ cho thương hiệu kênh Youtube là tên kênh và logo/hình ảnh đại diện kênh nhằm đảm bảo tính độc quyền cho tên gọi và logo/hình ảnh đó trong lĩnh vực đăng ký.
Thành phần hồ sơ
Để đăng ký nhãn hiệu cho kênh Youtube, cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Mục 5 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2011/TT-BKHCN-SHTT và Thông tư 16/2016/TT-BKHCN bao gồm:
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu;
- Mẫu nhãn hiệu kèm theo;
- Văn bản ủy quyền nếu ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác nộp đơn;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, quyền ưu tiên (nếu có);
- Chứng từ nộp phí, lệ phí;
- Các tài liệu khác (nếu có).
Địa chỉ nộp hồ sơ
Lựa chọn nộp trực tiếp tại trụ sở/văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính đến một trong các địa chỉ:
- Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam:
Địa chỉ: 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Số điện thoại: (024) 3858 3069
- Văn phòng đại diện của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam tại Đà Nẵng:
Địa chỉ: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng
Số điện thoại: (023) 63889955
- Văn phòng đại diện của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam tại Hồ Chí Minh:
Địa chỉ: Tầng 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 – 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Số điện thoại: (028) 3920 8483.
Nếu nộp qua đường bưu điện, người nộp đơn chuyển tiền qua dịch vụ bưu chính đồng thời photo Biên lai chuyển tiền, nộp kèm hồ sơ đến điểm nhận đơn tương ứng.
Xem thêm: Thủ tục đăng ký nhãn hiệu và logo như thế nào?
3. Cách đăng ký bản quyền nhạc trên Youtube
Thành phần hồ sơ
Căn cứ Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bởi khoải 14 Điều 1 Luật năm 2022, hồ sơ đăng ký bản quyền nhạc trên Youtube gồm có:
- Tờ khai đăng ký nhạc trên Youtube bằng tiếng Việt.
- Đĩa CD thể hiện bài hát đăng ký hoặc bản sao dưới dạng khác.
- Giấy uỷ quyền (nếu có).
- Tài liệu chứng minh do chủ sở hữu tự sáng tác hoặc hợp đồng sáng tác hoặc tài liệu chứng minh được chuyển giao quyền.
- Văn bản đồng ý của đồng tác giả, chủ sở hữu (nếu có).
Địa chỉ nộp hồ sơ
Căn cứ khoản 1 Điều 34 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức đăng ký nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện đến Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc Bộ phận một cửa Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện:
- Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
- Văn phòng tại Thành phố Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
- Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc (Căn cứ Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2022)
Chi phí: 100.000 đồng/giấy chứng nhận (theo Thông tư 211/2016/TT-BTC)