Hợp đồng thanh toán bằng ngoại tệ được không?

Về nguyên tắc mọi giao dịch trong lãnh thổ Việt Nam đều bị hạn chế sử dụng ngoại tệ để thanh toán trừ một số trường hợp ngoại lệ. Vậy hợp đồng có được ghi giá trị và điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ không?

Căn cứ:

Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế;

- Pháp lệnh Ngoại hối 2005 sửa đổi, bổ sung 2013;

- Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;

- Thông tư 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Ghi giá trị hợp đồng bằng ngoại tệ được không?

Trước đây, Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế có nêu:

- Nếu hợp đồng kinh tế có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ mà một hoặc các bên ký kết không được phép thanh toán bằng ngoại tệ thì hợp đồng vô hiệu toàn bộ;

- Nếu hợp đồng thỏa thuận giá cả bằng ngoại tệ nhưng thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ nhưng sau đó thỏa thuận thanh toán bằng đồng Việt Nam thì hợp đồng không bị coi là vô hiệu toàn bộ.

Theo đó, trước ngày 01/01/2014 - ngày Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi năm 2013 có hiệu lực, các hợp đồng ghi trị giá bằng ngoại tệ nhưng thanh toán bằng đồng Việt Nam vẫn có hiệu lực.

Tuy nhiên, khoản 13 Điều 1 Pháp lệnh Ngoại hối 2013, Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNH quy định cụ thể:

Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (gồm quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong đó, ngoại tệ (đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực) là một hình thức của ngoại hối.

Như vậy, pháp luật hiện hành cấm ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại tệ, trừ một số trường hợp ngoại lệ.

hợp đồng thanh toán bằng ngoại tệ

Hợp đồng thanh toán bằng ngoại tệ được không? (Ảnh minh họa)

Các giao dịch được phép sử dụng ngoại tệ

Theo Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN, các giao dịch sau được phép sử dụng ngoại tệ:

1- Điều chuyển vốn nội bộ trong doanh nghiệp;

2- Góp vốn thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

3- Trả lương cho người lao động nước ngoài;

4- Cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú;

5- Giao dịch với Doanh nghiệp chế xuất;

6- Giao dịch với Tổ chức tín dụng;

7- Thanh toán phí, lệ phí cho cơ quan nước ngoài;

8- Cung ứng dịch vụ ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu;

9- Hoạt động kinh doanh bảo hiểm;

10- Kinh doanh hàng miễn thuế;

11- Kinh doanh đại lý vận tải;

12- Cung ứng dịch vụ ngoại hối;

13- Kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, khách sạn và du lịch;

14- Cung ứng dịch vụ tại khu cách ly, kho ngoại quan

15- Một số giao dịch trong hoạt động đấu thầu

- Chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu thông qua đấu thầu quốc tế: Nhà thầu được chào thầu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài.

- Thực hiện gói thầu về dầu khí: Nhà thầu được chào thầu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài.

16- Giao dịch được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận

Các trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng, dầu khí và các trường hợp cần thiết khác, sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận bằng văn bản căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp thì được phép sử dụng ngoại tệ.

Nếu giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định nêu trên sẽ bị xử phạt từ 200 - 250 triệu đồng (điểm c khoản 6 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP).

Mức phạt tương tự đối với hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật.

>> 8 loại giao dịch doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt

Hậu Nguyễn

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Từ 01/01/2025, quy định mới về đầu tư lĩnh vực giáo dục, thể thao văn hoá trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có hiệu lực, mở ra những chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024. Cùng theo dõi chi tiết tại bài viết dưới đây.