Hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp thường được ký tên, đóng dấu đầy đủ. Vậy nếu hợp đồng không đóng dấu mà chỉ có chữ ký của người đại diện theo pháp luật thì có giá trị pháp lý không?
Trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng con dấu
Theo khoản 4 Điều 44 Luật Doanh nghiệp mới nhất, con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
Đồng thời, việc sử dụng con dấu còn được thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.
Như vậy, không phải trong mọi trường hợp doanh nghiệp đều phải đóng dấu trong hợp đồng. Theo đó, phải sử dụng con dấu trong 3 trường hợp:
- Khi pháp luật quy định phải sử dụng;
- Điều lệ công ty có quy định;
- Các bên thỏa thuận sử dụng con dấu.
Xem thêm: Hướng dẫn quản lý, sử dụng con dấu doanh nghiệp
Hợp đồng không đóng dấu, chỉ có chữ ký có giá trị không? (Ảnh minh họa)
Hợp đồng không đóng dấu, chỉ có chữ ký có giá trị không?
Đối chiếu với quy định liên quan, các trường hợp pháp luật nêu rõ doanh nghiệp bắt buộc phải đóng dấu, trong đó có:
- Sổ kế toán phải có chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật; đóng dấu giáp lai (khoản 2 Điều 24 Luật Kế toán 2015);
- Trong các chứng từ kế toán tại Thông tư 133/2016/TT-BTC đều yêu cầu người đại diện theo pháp luật ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu;
Như vậy, nếu trong Điều lệ hoặc các quy định, quy chế nội bộ không quy định hợp đồng phải dùng dấu thì đương nhiên không bắt buộc.
Hiện nay, có nhiều nước doanh nghiệp không dùng con dấu mà chỉ có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền, do đó, hợp đồng chỉ có chữ ký không được đóng dấu vẫn có giá trị khi nội dung không trái với quy định của pháp luật.