Mỗi kiểu dáng công nghiệp được tạo ra không đương nhiên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà phải tiến hành đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ. Vậy hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần những giấy tờ gì?
1. Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm những gì?
Căn cứ Điều 100, Điều 108 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 7, Điều 33 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, sửa bởi Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, các tài liệu bắt buộc phải có để đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được tiếp nhận gồm:
Stt | Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm | Yêu cầu đối với từng giấy tờ |
1 | Tờ khai đăng ký theo mẫu 03-KDCN tại Thông tư 16/2016/TT-BKHCN | - 02 bản. - Trong tờ khai phải nêu chỉ số phân loại quốc tế kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ phù hợp với Bảng phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (theo Thoả ước Locarno). |
2 | Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp | - 01 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp gồm: + Tên kiểu dáng công nghiệp. + Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp. + Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất. + Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ. + Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ đến mức căn cứ vào đó, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp đó. + Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. - 04 bộ ảnh chụp hoặc 04 bộ bản vẽ in hoặc gắn trên giấy khổ A4 không đóng khung: + Ảnh chụp, bản vẽ phải rõ ràng, sắc nét. + Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một tỷ lệ. Kích thước không được nhỏ hơn 90mm x 120mm và không được lớn hơn 190mm x 277mm. + Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một chiều và được đánh số lần lượt theo thứ tự. + Ảnh chụp hoặc hình chiếu tương tự hoặc đối xứng với ảnh chụp hoặc hình chiếu đã có, ảnh chụp mặt đáy của các sản phẩm có kích thước và trọng lượng lớn, ảnh chụp hoặc hình chiếu bề mặt có chiều dày quá mỏng của kiểu dáng công nghiệp không cần phải có trong đơn, với điều kiện phải nêu rõ điều đó trong phần liệt kê ảnh chụp, bản vẽ thuộc bản mô tả. + Đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm có thể khai triển được dưới dạng mặt phẳng (ví dụ hộp đựng, đồ bao gói...), các hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp có thể được thay thế bằng ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp ở trạng thái đã khai triển. + Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của kiểu dáng công nghiệp, có thể cần phải có thêm ảnh chụp, bản vẽ phối cảnh từ các góc độ khác, mặt cắt, hình phóng to bộ phận,... + Đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm lắp ráp hoặc hợp thành từ nhiều bộ phận khác nhau, các ảnh chụp hoặc bản vẽ của từng bộ phận này có thể được cung cấp nhưng chỉ nhằm mục đích minh họa mà không dùng để xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận đó. + Các ảnh chụp hoặc bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp ở cùng một trạng thái sử dụng được chọn; ảnh chụp hoặc bản vẽ thể hiện các trạng thái khác có thể được cung cấp để làm rõ bản chất của kiểu dáng công nghiệp. + Đối với đơn có nhiều phương án, phương án cơ bản phải được thể hiện đầu tiên. Mỗi phương án của kiểu dáng công nghiệp phải được thể hiện bằng bộ ảnh chụp, bản vẽ đầy đủ theo quy định tại điểm này. + Đối với bộ sản phẩm phải có hình phối cảnh của cả bộ sản phẩm và bộ ảnh chụp, bản vẽ của từng sản phẩm trong bộ đó theo quy định tại điểm này. |
3 | Giấy ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nếu đơn nộp thông qua đại diện | |
4 | Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác | |
5 | Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên | |
6 | Chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ) |
2. Nộp hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp ở đâu?
Căn cứ Quyết định 3675/QĐ-BKHCN, để thực hiện thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp, cá nhân, tổ chức phải nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ theo một trong các địa chỉ sau:
Nơi nộp | Địa chỉ | |
Khu vực miền Bắc | Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hà Nội | 384-386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội |
Khu vực miền Trung | Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng | Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng |
Khu vực miền Nam | Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh | Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 - 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh |
Hình thức nộp: Tổ chức, cá nhân có thể nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho Cục Sở hữu trí tuệ hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc nộp online thông qua Website: http://dvctt.noip.gov.vn:8888/HomePage.do
3. Chi phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp là bao nhiêu?
Căn cứ biểu phí ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC, cá nhân, tổ chức đăng ký kiểu sáng công nghiệp sẽ phải trả các khoản phí, lệ phí sau:
STT | Danh mục phí, lệ phí | Mức thu (đồng) |
1 | Lệ phí nộp đơn | 150.000 |
2 | Lệ phí cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp | 120.000 |
3 | Phí thẩm định đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp | 700.000 |
4 | Phí phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (mỗi phân nhóm) Áp dụng trong trường hợp: Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần được phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp mà người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại. | 100.000 |
5 | Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (mỗi đơn/yêu cầu) | 600.000 |
6 | Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định, giải quyết khiếu nại và các công việc khác | 480.000 |
7 | Phí công bố đơn | 120.000 |
8 | Phí đăng bạ | 120.000 |
Lưu ý: Ngoài chi phí trên, cá nhân, tổ chức không tự mình thực hiện thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp mà thuê cá nhân, tổ chức khác thực hiện thì còn mất thêm phí “dịch vụ”. |