Giấy chứng nhận đầu tư có thời hạn không?

Trên giấy chứng nhận đầu tư sẽ ghi nhận các thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Theo đó, Giấy chứng nhận đầu tư có thời hạn sử dụng không?

Hiệu lực của Giấy chứng nhận đầu tư là bao lâu?

Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 gồm:

1. Tên dự án đầu tư.

2. Nhà đầu tư.

3. Mã số dự án đầu tư.

Mã số dự án đầu tư là một dãy số được tạo tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư và được ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Mỗi dự án đầu tư được cấp một mã số duy nhất, tồn tại trong quá trình hoạt động của dự án và hết hiệu lực khi dự án chấm dứt hoạt động.

Đối với dự án đầu tư thực hiện theo Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương khác, mã số dự án đầu tư là số Giấy chứng nhận đầu tư, số Giấy phép đầu tư hoặc số giấy tờ có giá trị tương đương khác đã cấp cho dự án đầu tư.

4. Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng.

5. Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.

6. Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động).

7. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

8. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm:

- Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn;

- Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn.

9. Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).

10. Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).

Như vậy, có thể thấy, thời hạn của Giấy chứng nhận đầu tư phụ thuộc vào thời hạn hoạt động của dự án đầu tư. Theo đó, thời hạn này của Giấy chứng nhận đầu tư không được vượt quá thời hạn của dự án đầu tư.

giay chung nhan dau tu co thoi han khongHiệu lực của Giấy chứng nhận đầu tư (Ảnh minh họa)

Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư là bao năm?

Theo Điều 44 Luật Đầu tư, Điều 27 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, dự án đầu tư có thời hạn hoạt động như sau:

- Dự án đầu tư trong khu kinh tế có thời hạn không quá 70 năm.

- Dự án đầu tư ngoài khu kinh tế có thời hạn không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, thời hạn hoạt động có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.

Thời hạn này được tính từ ngày nhà đầu tư được cấp Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cùng với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu.

Lưu ý:

Với dự án đầu tư được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì thời hạn hoạt động được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Trường hợp nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian bị chậm bàn giao sẽ không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án.

Khi hết thời hạn nêu trên nếu nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đồng thời đáp ứng điều kiện theo quy định thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án nhưng không quá 70 năm đối với dự án trong khu kinh tế, không quá 50 năm đối với dự án ngoài khu kinh tế, trừ các dự án sau:

- Dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;

- Dự án thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam/bên Việt Nam.

Trên đây là giải đáp về việc Giấy chứng nhận đầu tư có thời hạn không, nếu gặp vướng mắc liên quan đến nội dung bài viết này, bạn đọc liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Dự án nào không phải xin Giấy chứng nhận đầu tư?
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục