Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Nghị định về sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Nghị định
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp | Loại dự thảo: | Nghị định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Tài chính | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập và nguồn thu từ thoái vốn nhà nước (sau đây gọi là nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước).Tải Nghị định
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ TÀI CHÍNH -------------- Số: /2020/TT-BTC DỰ THẢO ĐỀ CƯƠNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------ Hà Nội, ngày tháng 3 năm 2020 |
Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi
sở hữu doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập và nguồn thu từ thoái vốn nhà nước (sau đây gọi là nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu
2. Doanh nghiệp nhà nước bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước), Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con.
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
c) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ.
4. Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (sau đây gọi là người đại diện phần vốn nhà nước).
5. Đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là Bộ quản lý ngành);
b) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
c) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh);
d) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp huyện);
e) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập;
g) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp nhà nước;
6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn tài sản tại doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước
1. Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước, trong đó ưu tiên sử dụng để chi cho đầu tư phát triển theo kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo Nghị quyết của Quốc hội đối với ngân sách trung ương và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với ngân sách địa phương.
2. Các khoản thu, chi từ nguồn thu chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước phải được lập dự toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
3. Cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan phải đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ báo cáo và nộp đầy đủ tiền thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật. Việc xử lý các khoản chậm nộp về ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật về thuế.
Chương II
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN THU TỪ CHUYỂN ĐỔI
SỞ HỮU DOANH NGHIỆP, THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC
NỘP VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Điều 4. Quản lý nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước
1. Nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ làm đại diện chủ sở hữu được nộp ngân sách trung ương mở tại Kho bạc nhà nước. Nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu được nộp về ngân sách địa phương mở tại Kho bạc nhà nước.
2. Các khoản thu về ngân sách nhà nước theo phân cấp trung ương và địa phương gồm:
a) Các khoản thu về chuyển đổi sở hữu, thoái vốn nhà nước sau khi trừ các chi phí liên quan theo quy định pháp luật về chuyển đổi sở hữu và thoái vốn nhà nước, gồm:
- Thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập;
- Thu từ các hình thức sắp xếp chuyển đổi khác của doanh nghiệp nhà nước;
- Thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gồm:
+ Tiền thu từ thoái vốn nhà nước sau khi trừ các chi phí liên quan theo quy định;
+ Tiền thu từ chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm tại công ty cổ phần và quyền góp vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
+ Tiền thu từ thoái vốn tại các doanh nghiệp bàn giao về SCIC để thực hiện thoái vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
b) Các nguồn thu khác có liên quan, bao gồm cả: khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các doanh nghiệp nhà nước không có kế hoạch đầu tư trong tương lai; khoản tiền lãi chậm nộp (nếu có).
Thời gian thực hiện nộp các khoản thu từ sắp xếp, cổ phần hòa, thoái vốn nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
3. Nguồn thu tại khoản 2 Điều này không bao gồm các doanh nghiệp do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu, do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu (bao gồm cả doanh nghiệp của Đảng).
Điều 5. Sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước
Nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước sau khi nộp vào ngân sách nhà nước được ưu tiên bố trí dự toán chi cho các nội dung sau:
1. Các khoản chi thường xuyên để bù đắp, hỗ trợ cho quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, gồm: Chi hỗ trợ để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư, tinh giản biên chế; Chi bù đắp chi phí liên quan đến cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi khác; Chi bù đắp chi phí chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm và quyền góp vốn.
2. Các khoản chi đầu tư phát triển gồm: Chi đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp nhà nước; Chi bổ sung vốn nhà nước cho doanh nghiệp; Chi mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp; Các khoản chi khác theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Chương V
XỬ LÝ CHUYỂN TIẾP
Điều 6. Xử lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành
1. Hoàn trả ngân sách địa phương số tiền đã nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (sau đây gọi là Quỹ) theo quy định sau:
a) Các khoản thu theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này đã nộp về Quỹ từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Số tiền hoàn trả cho từng địa phương từ Quỹ là số chênh lệch giữa số thu và số đã chi từ Quỹ (bao gồm cả doanh nghiệp thuộc địa phương) từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
c) Việc hoàn trả ngân sách địa phương phải hoàn thành trong thời gian tối đa 60 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
d) Căn cứ đề nghị của các địa phương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoàn trả và giao Bộ Tài chính ra quyết định xuất Quỹ để hoàn trả.
đ) Hồ sơ đề nghị hoàn trả bao gồm…
2. Số dư bằng tiền của Quỹ sau khi hoàn trả các địa phương và thực hiện nhiệm vụ chi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (nếu có) được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn tất nhiệm vụ chi theo quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý số dư Quỹ.
Điều 7. Xử lý các khoản nợ phải thu, tài sản của Quỹ tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành
1. Chuyển thu vào ngân sách địa phương các khoản phải thu của Quỹ (bao gồm cả các khoản phải thu Quỹ chưa hạch toán, theo dõi) từ chuyển đổi sở hữu, thoái vốn nhà nước của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương. Chuyển thu vào ngân sách trung ương đối với các khoản phải thu còn lại của Quỹ.
2. Việc xử lý các khoản chậm nộp về NSNN thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
3. Đối với các tài sản khác của Quỹ, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi, xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn thu từ xử lý các tài sản này sau khi trừ các chi phí xử lý có liên quan được nộp vào ngân sách trung ương.
Điều 8. Xử lý các khoản chậm nộp phát sinh trước thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành
1. Các doanh nghiệp được xem xét miễn lãi chậm nộp gồm: doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ và còn lỗ lũy kế đến thời điểm được xem xét miễn lãi chậm nộp; doanh nghiệp đã sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản bồi thường của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm nộp (nếu có) nhưng không đủ để bù đắp khoản lãi chậm nộp.
2. Việc xác định số lãi chậm nộp được miễn cho doanh nghiệp căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và số lãi chậm nộp phát sinh tương ứng từng năm trên nguyên tắc số lãi chậm nộp được xóa tối đa bằng số lỗ phát sinh thêm theo từng năm.
3. Thời điểm tính lãi chậm nộp tính từ ngày hết hạn nộp tiền về Quỹ theo quy định. Lãi suất tính lãi chậm nộp được xác định theo quy định của pháp luật về thuế.
4. Trường hợp doanh nghiệp đã nộp khoản lãi chậm nộp theo quy định tại các văn bản ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không thực hiện điều chỉnh lại.
5. Bộ Tài chính quyết định việc miễn lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp thuộc trung ương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc miễn lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp thuộc địa phương.
6. Trình tự, thủ tục, hồ sơ xem xét miễn lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp...
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày … tháng … năm …
2. Các khoản phải thu, nộp về Quỹ từ thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành được thu, nộp về ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo phân cấp quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này.
3. Bãi bỏ các văn bản sau đây:
a) Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp;
b) Các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan không phù hợp với quy định tại Nghị định này.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, bố trí dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương cho các khoản chi quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này, tổng hợp chung trong phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển, gửi Bộ Tài chính tổng hợp chung trong phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Chịu trách nhiệm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình phân bổ, sử dụng vốn đầu tư cho các khoản chi đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này.
2. Bộ Tài chính chủ trì, bố trí dự toán chi thường xuyên của ngân sách trung ương cho các khoản chi quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này, tổng hợp chung trong phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Định kỳ hằng năm, Bộ Tài chính tổng hợp tình hình thu, nộp tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nộp ngân sách nhà nước (bao gồm cả trung ương và địa phương) báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng dự toán hằng năm cho các khoản chi quy định tại Điều 5 Nghị định này thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Định kỳ hằng năm, báo cáo Bộ Tài chính tình hình thu, nộp tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nộp ngân sách địa phương.
4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!