Danh mục các dự án phải xin chủ trương đầu tư

Xin chấp thuận chủ trương đầu tư là một giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho việc triển khai dự án đầu tư. Tuy nhiên, không phải mọi dự án đều phải xin chủ trương đầu tư.

Chấp thuận chủ trương đầu tư là gì?

Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14).

Qua đây, có thể nhận thấy, chấp thuận chủ trương đầu tư là chấp thuận sơ bộ về ý định, phương hướng triển khai dự án đầu tư với các nội dung gồm:

- Mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án;

- Nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư;

- Cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án.

Việc chấp thuận đó phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Tùy thuộc lĩnh vực, quy mô của dự án đầu tư mà mỗi loại dự án lại có cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư khác nhau.

du an nao phai chap thuan chu truong dau tuDự án nào phải chấp thuận chủ trương đầu tư? (Ảnh minh họa)

Dự án nào phải xin chủ trương đầu tư?

Theo Điều 30, Điều 31, Điều 32 Luật Đầu tư 2020 các dự án sau phải chấp thuận chủ trương đầu tư:

1. Dự án phải xin chủ trương đầu tư của Quốc hội

Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

1.1. Dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường gồm:

- Nhà máy điện hạt nhân;

- Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

1.2. Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

1.3. Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác;

1.4. Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

2. Dự án phải xin chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ

Trừ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

2.1. Dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc trường hợp sau đây:

- Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;

- Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hoá của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên;

- Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không;

- Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I;

- Dự án đầu tư chế biến dầu khí;

- Dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;

- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong trường hợp:

+ Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị;

+ Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị;

+ Dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất;

2.2. Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, Xuất bản, báo chí;

2.3. Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên;

2.4. Dự án đầu tư khác thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

khong phai du an nao cung can chap thuan chu truong dau tu
Không phải dự án nào cũng cần chấp thuận chủ trương đầu tư (Ảnh minh họa)

3. Dự án phải xin chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

3.1. Trừ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư sau:

- Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu/nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp:

+ Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 50 ha và có quy mô dân số dưới 15.000 người tại khu vực đô thị;

+ Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 100 ha và có quy mô dân số dưới 10.000 người tại khu vực không phải là đô thị;

+ Dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt.

- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (golf);

- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

3.2. Đối với dự án đầu tư nêu tại mục 3.1 (trừ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf) thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tại sao phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư?

Khi nhắc tới chấp thuận chủ trương đầu tư hẳn mọi người đều có chung thắc mắc là tại sao lại phải chấp thuận chủ trương đầu tư mà không cấp luôn Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án vì trong quá trình thẩm định hồ sơ đăng ký đầu tư cũng phải xem xét các khía cạnh của dự án.

Trước tiên, cần khẳng định lại một lần nữa, không phải dự án nào cũng cần chấp thuận chủ trương đầu tư mà chỉ một số loại dự án nhất định đã nêu ở phần trên của bài viết.

Sở dĩ phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư đối với những dự án đó là để:

- Đảm bảo cân bằng và phát triển kinh tế phù hợp với định hướng của đất nước;

- Bản thân Nhà đầu tư, cơ quan chủ trì lập dự án cần có sự khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tốn kém chi phí, thời gian, do đó, để tránh trường hợp sau khi khảo sát và nghiên cứu nhưng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận sẽ gây lãng phí.

Trên đây là danh mục dự án đầu tư phải chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc hãy liên hệ ngay tổng đài 1900.6192 để được giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

3 ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ

3 ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ

3 ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang chiếm tỷ lệ ít, đây cũng là đối tượng cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình thành lập và hoạt động. Nghị định 80/2021/NĐ-CP đã giải quyết vấn đề này với một số chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.