Doanh nghiệp tư nhân có được góp vốn, mua cổ phần tại công ty khác?

Doanh nghiệp tư nhân là một trong những loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, không có sự độc lập tài sản với chủ doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế quyền trong một số các giao dịch.


Đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp tư nhân

1. Doanh nghiệp tư nhân có chế độ trách nhiệm vô hạn

Do không có sự độc lập về tài sản, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong phạm vi vốn đầu tư đã đăng kí mà phải chịu bằng toàn bộ tài sản trong trường hợp vốn đã đăng ký không đủ.

2. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 74 Bộ Luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

Doanh nghiệp tư nhân có đặc điểm là tài sản cá nhân không tách biệt với tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp tư không đáp ứng đủ điều kiện để được coi là pháp nhân.

3. Chỉ duy nhất một cá nhân làm chủ

Theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân chỉ có duy nhất một cá nhân làm chủ.

Khoản 3 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định, chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

Đối với việc điều hành và quản lý công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý hoạt động công ty

4. Được bán và cho thuê doanh nghiệp tư nhân

Theo Điều 191, 192 Luật Doanh nghiệp 2020, khi có nhu cầu, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán và cho thuê doanh nghiệp tư nhân.

Khi bán và cho thuê doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau:

- Bán doanh nghiệp:

+ Hai bên phải lập hợp đồng mua bán (không bắt buộc phải công chứng, chứng thực);

+ Sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp.

- Cho thuê doanh nghiệp:

+ Phải lập hợp đồng cho thuê (không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Tuy nhiên khi nộp hồ sơ đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp bản sao hợp đồng có công chứng, chứng thực).

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp tư nhân có được mua cổ phần (Ảnh minh hoạ)

Doanh nghiệp tư nhân có được góp vốn, mua cổ phần tại công ty khác?

Khoản 4 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

"4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần."

Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không có quyền góp vốn, mua cổ phần tại công ty khác.

Khoản 3 Điều 188 Luật Doanh nghiệp lại quy định:

“Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.”

Theo quy định này, chủ doanh nghiệp chỉ được thành lập một doanh nghiệp tư nhân, không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Và không có quy định nào cấm việc chủ doanh nghiệp tư nhân góp vốn, mua cổ phần tại công ty khác. Vì vậy, chủ doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác với tư cách cá nhân.

Do doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ của công ty. Nên vốn góp hay cổ phần mà chủ doanh nghiệp tư nhân sở hữu tại các công ty khác cũng được coi là tài sản của doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không được mua cổ phần, góp vốn tại công ty khác nhưng chủ doanh nghiệp tư nhân lại được thực hiện điều này. Nếu có thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân mới nhất

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thủ tục thành lập khu công nghệ cao [mới nhất]

Việc thành lập khu công nghệ cao không chỉ đóng vai trò trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập khu công nghệ cao.