Doanh nghiệp FDI có được kinh doanh bất động sản?

Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19, thị trường Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng vẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Vậy theo quy định, doanh nghiệp FDI có được kinh doanh bất động sản không?

Doanh nghiệp FDI có được kinh doanh bất động sản?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì doanh nghiệp FDI được kinh doanh bất động sản dưới các hình thức sau đây:

1. Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;

2. Được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với đất được Nhà nước cho thuê;

3. Nhận chuyển nhượng toàn bộ/một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;

4. Được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với đất được Nhà nước giao;

5. Được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất đối với đất thuê trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Theo đó, doanh nghiệp FDI chỉ được kinh doanh bất động sản với 05 hình thức nêu trên, không được phép kinh doanh bất động sản với hình thức khác.

Doanh nghiệp FDI có được kinh doanh bất động sản (Ảnh minh họa)

Thủ tục thành lập doanh nghiệp FDI kinh doanh bất động sản

Về cơ bản, thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh bất động sản cũng tương tự như việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác. Cụ thể, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Xin chấp thuận chủ trương đầu tư

Tùy vào quy mô, đặc điểm của dự án đầu tư mà quyết định chủ trương đầu tư sẽ do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh chấp thuận.

Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư

- Cơ quan cấp phép: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Thời gian thực hiện dự kiến:

+ Đối với dự án phải chấp thuận chủ trương đầu tư: 05 ngày làm việc từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư

+ Đối với dự án không phải chấp thuận chủ trương đầu tư: 15 ngày làm việc từ ngày nhận đủ hồ sơ.

- Hồ sơ gồm:

+ Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

+ Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư: Bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (Áp dụng trong trường hợp nhà đầu tư là cá nhân); Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Áp dụng đối với trường hợp nhà đầu tư là pháp nhân).

+ Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

+ Đề xuất dự án đầu tư gồm:

Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.

Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

Bước 3: Thành lập doanh nghiệp

- Cơ quan cấp phép: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Thời gian thực hiện: 03 ngày làm việc.

- Hồ sơ thực hiện:

+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

+ Điều lệ công ty.

+ Danh sách thành viên (đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty hợp danh), Danh sách cổ đông (đối với Công ty cổ phần).

+ Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn thành lập công ty.

+ Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư.

+ Bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật.

Bước 4: Công bố nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp:

Thông tin về đăng ký doanh nghiệp được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bước 5: Khắc dấu pháp nhân

Sau khi thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp tiến hành khắc dấu. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp không cần thông báo mẫu dấu lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mà có thể sử dụng luôn.

Bước 6: Mở tài khoản chuyển vốn đầu tư trực tiếp

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà đầu tư nước ngoài cần góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Do đó, ngay sau khi thành lập công ty nhà đầu tư cần tiến hành mở tài khoản chuyển vốn đầu tư trực tiếp. Mặc dù Luật Đầu tư 2020 đã bỏ điều kiện về vốn pháp định 20 tỷ đồng đối với kinh doanh bất động sản tuy nhiên nhà đầu tư cần xác định được số vốn hợp lý để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh khi công ty đi vào hoạt động.

Bước 7: Hoàn tất các thủ tục sau thành lập doanh nghiệp

Sau khi thành lập công ty nhà đầu tư tiến hành các thủ tục đăng ký mua chữ số, nộp thuế môn bài, kê khai thuế môn bài, phát hành hóa đơn, kê khai thuế,…

Lưu ý: Theo tìm hiểu, khi thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ yêu cầu phải gửi kèm dự án cụ thể về việc kinh doanh bất động sản mà công ty dự định kinh doanh.

Trên đây là giải đáp về việc doanh nghiệp FDI có được kinh doanh bất động sản hay không, nếu cần tư vấn thêm, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thủ tục thành lập khu công nghệ cao [mới nhất]

Việc thành lập khu công nghệ cao không chỉ đóng vai trò trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập khu công nghệ cao.