Điều kiện khai thác khoáng sản của nhà đầu tư nước ngoài

Khai thác khoáng sản được hiểu là các hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản gồm xây mỏ, khai đào khoáng sản… Nhà đầu tư nước ngoài muốn khai thác khoáng sản tại Việt Nam cần đáp ứng điều kiện gì?

Điều kiện khai thác khoáng sản tại Việt Nam

Theo khoản 1 Điều 51 Luật Khoáng sản năm 2010, tổ chức, cá nhân được khai thác khoáng sản bao gồm:

- Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản.

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập theo Luật Hợp tác xã.

Do đó, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào dự án khai thác khoáng sản tại Việt Nam thì phải thành lập doanh nghiệp hoặc đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào doanh nghiệp tại Việt Nam.

Lưu ý, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Ngoài ra, để hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, nhà đầu tư nước ngoài phải được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.

Để được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau theo khoản 2 Điều 53 Luật Khoáng sản:

- Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; đối với khoáng sản độc hại còn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản;

- Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

Theo đó, Giấy phép khai thác khoáng sản có các nội dung chính gồm: Tên tổ chức, cá nhân khai thác; Loại khoáng sản, địa điểm, diện tích khu vực khai thác; Trữ lượng, công suất, phương pháp khai thác; Thời hạn khai thác; Nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khác có liên quan.

Đặc biệt, Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm, được phép gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm.

dieu kien khai thac khoang san cua nha dau tu nuoc ngoaiĐiều kiện khai thác khoáng sản của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay (Ảnh minh họa)

Quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài khai thác khoáng sản

Nhà đầu tư nước ngoài khai thác khoáng sản tại Việt Nam có các quyền theo khoản 1 Điều 55 Luật Khoáng sản:

- Sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích khai thác và khu vực được phép khai thác;

- Tiến hành khai thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác khoáng sản;

- Được thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong phạm vi diện tích, độ sâu được phép khai thác, nhưng phải thông báo khối lượng, thời gian thăm dò nâng cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trước khi thực hiện;

- Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản đã khai thác theo quy định của pháp luật;

- Đề nghị gia hạn, trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản;

- Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản;

- Khiếu nại, khởi kiện quyết định thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ đã được phê duyệt;

- Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư nước ngoài khai thác khoáng sản có các nghĩa vụ sau:

- Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lệ phí cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính khác theo quy định của pháp luật;

- Bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ;

- Đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện;

- Khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường;

- Thu thập, lưu giữ thông tin về kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản và khai thác khoáng sản;

- Báo cáo kết quả khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học được Nhà nước cho phép trong khu vực khai thác khoáng sản;

- Đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực;

- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số thông tin về điều kiện khai thác khoáng sản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nếu cần hỗ trợ thêm bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Từ 01/01/2025, quy định mới về đầu tư lĩnh vực giáo dục, thể thao văn hoá trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có hiệu lực, mở ra những chính sách thu hút đầu tư thể thao - văn hoá, giáo dục của Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024. Cùng theo dõi chi tiết tại bài viết dưới đây.