Điều chỉnh dự án theo thủ tục đầu tư đặc biệt được thực hiện như thế nào?
Việc điều chỉnh dự án đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định 19/2025/NĐ-CP.
Khoản 1 Điều 5 quy định việc điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án thực hiện theo quy định tương ứng tại Điều 3 Nghị định 19/2025/NĐ-CP. Hồ sơ điều chỉnh gồm:
- Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư bao gồm nội dung cam kết đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy;
- Giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án;
- Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh.
Việc điều chỉnh dự án đầu tư trong các trường hợp không thuộc các trường hợp nêu trên thì được thực hiện theo quy định tương ứng của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Trong đó hồ sơ điều chỉnh bao gồm cam kết đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Mục tiêu của dự án đầu tư sau khi điều chỉnh phải thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 36a Luật Đầu tư 2020,bao gồm:
- Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn;
- Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Lưu ý: Các lĩnh vực trên có loại trừ các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, gồm:
- Dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:
Nhà máy điện hạt nhân;
Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;
- Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;
- Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác;
- Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt
Điều 7 Nghị định 19/2025/NĐ-CP đã quy định về trình tự về trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt.
Theo đó, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện dự án theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các cam kết về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Trường hợp dự án không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã cam kết thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính, ngừng, chấm dứt hoạt động hoặc thực hiện các hình thức xử lý khác.
Ngoài ra, dự án đầu tư thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường khi đăng ksy theo thủ tục đầu tư đặc biệt nhà đầu tư không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trường hợp dự án thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép môi trường, nhà đầu tư thực hiện như sau:
Thực hiện thủ tục cấp Giấy phép môi trường trước khi khởi công xây dựng.
Cơ quan nhà nước sẽ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tương ứng với trường hợp dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường áp dụng tương ứng đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Trường hợp dự án thuộc trường hợp phải đăng ký môi trường, nhà đầu tư thực hiện đăng ký môi trường theo quy định.
Trên đây là nội dung quy định về điều chỉnh dự án theo thủ tục đầu tư đặc biệt theo Nghị định 19.