1/ Bổ sung vai trò cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 ghi nhận:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
So với quy định khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014, khái niệm này đã bổ sung thêm cụm từ “người yêu cầu giải quyết việc dân sự”. Đồng nghĩa với đó, người đại diện theo pháp luật được bổ sung thêm vai trò đại diện cho doanh nghiệp yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Vai trò này đã được đề cập trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Căn cứ Điều 68 và 69 của Bộ luật Tố tụng dân sự, trong trường hợp cơ quan, tổ chức yêu cầu giải quyết việc dân sự thì người tham gia tố tụng là người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó.
Có thể thấy, Luật doanh nghiệp 2020 đã chính thức ghi nhận vai trò đại diện cho doanh nghiệp yêu cầu giải quyết việc dân dân sự của người đại diện theo pháp luật mà trước đó đã được Bộ luật Tố tụng dân sự quy định.
2/ Phải liên đới chịu trách nhiệm nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp
Luật doanh nghiệp 2014 quy định công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) được có nhiều hơn 01 người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
So với quy định hiện hành, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định rõ ràng hơn về trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020, nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật không quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật đều có đủ thẩm quyền đại diện cho doanh nghiệp trước bên thứ ba.
Đáng chú ý, nếu không quy định rõ quyền cho từng người thì tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp.
4 điểm mới về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp từ 2021 (Ảnh minh họa)
3/ Thêm trường hợp cử người đại diện theo pháp luật
Hiện nay, doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.
Trong trường hợp doanh nghiệp chỉ còn 01 người đại diện theo pháp luật nhưng không đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với doanh nghiệp thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị phải cử người khác thay thế.
Khoản 5 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định phải thay thế người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp khi người này thuộc một trong 10 trường hợp sau:
- Vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật;
- Chết;
- Mất tích;
- Bị tạm giam;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Bị hạn chế hạn hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
- Đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
- Có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
So với Luật Doanh nghiệp 2014, Doanh nghiệp 2020 đã bỏ trường hợp người đại diện theo pháp luật bị kết án tù.
Đồng thời, quy định mới đã bổ sung thêm 05 trường hợp: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Đang chấp hành hình phạt tù; Bị hạn chế hạn hoặc mất năng lực hành vi dân sự; Đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện hoặc giáo dục bắt buộc; Có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; Bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
4/ Thêm trường hợp đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, đối với công ty TNHH có 02 thành viên, nếu có thành viên không thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật thì người còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên.
Hiện nay, Luật doanh nghiệp 2014 quy định 05 trường hợp thành viên còn lại của công ty TNHH hai thành viên đương nhiên là người đại diện theo pháp luật.
Đó là khi có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị: Tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác.
Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ 02 trường hợp hiện nay đang áp dụng: một trong hai thành viên của công ty bị kết án tù và bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác.
Thay vào đó, Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm 06 trường hợp thành viên còn lại của công ty TNHH 2 thành viên đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty nếu một trong hai thành viên:
- Chết;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
- Có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 có 11 trường hợp đương nhiên trở thành người đại diện của công ty TNHH hai thành viên mà doanh nghiệp cần lưu ý.
Trên đây là những phân tích về những điểm mới trong quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được thực hiện từ ngày 01/01/2021.