Quyền tác giả phát sinh ngay từ khi tác phẩm được sáng tạo ra mà không phụ thuộc vào việc tác giả có đăng ký bảo hộ hay không. Tuy nhiên, vẫn cần thiết thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả để bảo vệ tác phẩm trước hành vi xâm phạm. Vậy đăng ký quyền tác giả ở đâu?
1. Đăng ký quyền tác giả đem lại lợi ích gì?
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định mà không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Tuy nhiên, nếu tiến hành thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm mà mình đã tiêu tốn chất xám để tạo ra, tác giả sẽ được đảm bảo một số quyền lợi:
- Đảm bảo cho tác giả chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm như sao chép, lạm dụng, xuyên tạc tác phẩm đó.
- Việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả đồng nghĩa với việc tuyên bố về quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm. Nếu người khác muốn sử dụng hoặc sao chép tác phẩm thì phải có sự đồng ý của chủ sở hữu.
- Trường hợp có tranh chấp xảy ra, tác giả hoặc chủ sở hữu thông qua Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả sẽ không cần phải chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại (theo Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ).
Trong nhiều trường hợp, khi không đăng ký quyền tác giả, việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chứng minh quyền của mình thậm chí không thể chứng minh được mình là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đang có tranh chấp.- Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền cũng là một loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tác phẩm, được sử dụng để góp vốn hay định giá tài sản của công ty.
2. Đăng ký quyền tác giả ở đâu?
Căn cứ Điều 34 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, để đăng ký quyền tác giả thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả phải nộp hồ sơ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể là Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng.
Địa chỉ cụ thể như sau:
Tên địa điểm | Địa chỉ |
Phòng Thông tin Quyền tác giả - Cục Bản quyền tác giả | Địa chỉ: Số 33 Ngõ 294/ 2 phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. Số điện thoại: 024 3823 6908 |
Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh | Địa chỉ: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Q quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Số điện thoại: 028.39 308 086 |
Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Đà Nẵng | Địa chỉ: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Số điện thoại: 0236.3 606 967 |
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại một trong các địa chỉ trên hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp thay hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện.
3. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả gồm những gì?
Theo quy định tại Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ đăng ký quyền tác giả sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu.
Tờ khai sử dụng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin yều cầu theo mẫu do Bộ Văn hóa - Thông tin quy định.
Mặt sau của mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả có hướng dẫn cách điền thông tin.
- 02 bản sao của tác phẩm mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả muốn đăng ký quyền tác giả: 01 bản được giữ bởi Cục Bản quyền tác giả Văn học - Nghệ thuật, 01 bản giao đối tượng đăng ký giữ sau khi cấp giấy chứng nhận
Riêng những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh thì có thể thay thế bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả bằng ảnh chụp không gian ba chiều (Theo khoản 2 Điều 38 Nghị định 22/2018/NĐ-CP).
- Giấy ủy quyền: Chỉ nộp nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả là người được ủy quyền, trên giấy ủy quyền phải có chữ ký, con dấu của tác giả, chủ sở hữu.
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn.
- Văn bản đồng ý của các tác giả nếu tác phẩm đăng ký có đồng tác giả.
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu nếu có quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
Lưu ý: Các giấy tờ trong hồ sơ đều phải sử dụng ngôn ngữ Việt Nam, nếu được viết bằng ngôn ngữ khác thì phải có bản dịch tiếng Việt.
4. Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ, nếu hồ sơ, giấy tờ mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ủy quyền là hợp lệ thì trong 15 ngày Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn.
Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì cơ quan này sẽ phải ra thông báo bằng văn bản gửi cho người nộp đơn.
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được cấp bởi Cục Bản quyền tác giả có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.