Nhãn hiệu không đương nhiên được bảo hộ tại Việt Nam (trừ nhãn hiệu nổi tiếng). Vì vậy để được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tổ chức cá nhân phải tiến hành thủ tục đăng ký. Vậy khi đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam cần chú ý gì?
1. Điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam
* Đối với nhãn hiệu thông thường:
Nhãn hiệu thông thường được bảo hộ kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sau khi đã thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu.
Căn cứ Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân muốn được bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Là dấu hiệu có thể nhìn thấy và được thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, ảnh, hình ba chiều, hoặc sự kết hợp của các yếu tố chữ, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều; được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh dưới dạng đồ họa.
(2) Có khả năng phân biệt với hàng hoá, dịch vụ của các chủ thể khác.
* Đối với nhãn hiệu nổi tiếng:
Theo khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào việc có làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan có thẩm quyền hay không.
Căn cứ Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ, việc xem xét, đánh giá 01 nhãn hiệu là nổi tiếng được lựa chọn từ một số hoặc tất cả các tiêu chí sau:
STT | Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng |
1 | Số lượng người tiêu dùng đã biết đến nhãn hiệu thông qua mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua tin quảng cáo |
2 | Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành |
3 | Doanh số từ việc bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được cá nhân, tổ chức bán ra, lượng dịch vụ đã được cá nhân, tổ chức cung cấp |
4 | Thời gian sử dụng một các liên tục nhãn hiệu đó |
5 | Mức độ uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu |
6 | Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu đó |
7 | Số lượng quốc gia công nhận đó là nhãn hiệu nổi tiếng |
8 | Giá chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu |
2. Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam ở đâu?
Căn cứ Quyết định 3675/QĐ-BKHCN, để thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức phải nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ theo các địa chỉ sau:
Nơi nộp | Địa chỉ | |
Khu vực miền Bắc | Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hà Nội | 384-386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội |
Khu vực miền Trung | Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng | Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng |
Khu vực miền Nam | Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh | Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 - 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh |
Cũng theo Quyết định 3675, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu theo 02 cách thức là nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc nộp online qua Website: http://dvctt.noip.gov.vn:8888/HomePage.do
3. Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam mất bao lâu?
Căn cứ Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, thời gian xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam được quy định như sau:
Các bước xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu | Thời hạn |
Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu | 02 tháng, kể từ ngày nộp đơn. |
Công bố đơn hợp lệ | 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ về hình thức |
Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu | Tối đa 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn |
Thẩm định lại đơn đăng ký nhãn hiệu | 2/3 thời hạn thẩm định lần đầu Vụ việc phức tạp có thể kéo dài hơn nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu. |
Như vậy, nếu không cần thẩm định lại đơn đăng ký nhãn hiệu, thời gian đăng ký nhãn hiệu sẽ kéo dài khoảng 12 tháng kể từ ngày nộp đơn. Trên thực tế tổng thời gian đăng ký nhãn hiệu thường bị kéo dài hơn, dao động từ 18 - 20 tháng kể từ khi nộp đơn, thậm chí có trường hợp còn kéo dài từ 02 - 03 năm.
4. Giấy đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực đến khi nào?
Căn cứ khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được quy định như sau:
6. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
Theo quy định này, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cấp cho tổ chức, cá nhân sở hữu nhãn hiệu sẽ có hiệu lực từ ngày cấp giấy này đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn.
Nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng và được bảo hộ nhãn hiệu sau thời hạn trên, cá nhân, tổ chức sở hữu nhãn hiệu này có thể tiến hành gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Thời hạn có hiệu lực của mỗi lần gia hạn cũng là 10 năm.
Lưu ý: Trong vòng 06 tháng tính đến ngày hết hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, cá nhân, tổ chức phải nộp đơn yêu cầu gia hạn cho Cục Sở hữu trí tuệ đồng thời nộp các loại phí, lệ phí để được gia hạn (theo điểm c khoản 19 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN).
Nếu nộp muộn, tổ chức, cá nhân phải nộp thêm 10% lệ phí gia hạn hiệu lực muộn/tháng bị muộn.