Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân khác nhau. Do đó, để tránh bị các tổ chức, cá nhân khác sao chép, bắt chước nhãn hiệu, doanh nghiệp cần thiết phải đăng ký nhãn hiệu. Vậy đăng ký nhãn hiệu là gì?
1. Đăng ký nhãn hiệu là gì?
Luật Sở hữu trí tuệ không đưa ra định nghĩa cụ thể đăng ký nhãn hiệu là gì nhưng dựa trên các quy định của Luật này, có thể hiểu đơn giản rằng, đăng ký nhãn hiệu là một thủ tục mà cá nhân, tổ chức cần thực hiện để xác lập quyền sở hữu công nghiệp của mình đối với nhãn hiệu đó.
Theo khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối nhãn hiệu được thể hiện thông qua quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trừ trường hợp nhãn hiệu đó là nhãn hiệu nổi tiếng.
Việc đăng ký nhãn hiệu không phải là yêu cầu bắt buộc mà là quyền nên tổ chức, cá nhân có thể đăng ký hoặc không đăng ký khi sử dụng nhãn hiệu đó.
2. Ai có quyền đăng ký nhãn hiệu?
Căn cứ Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ, các cá nhân, tổ chức sau đây sẽ có quyền đăng ký nhãn hiệu:
Loại nhãn hiệu | Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu |
Nhãn hiệu dùng cho hàng hoá hoặc dịch vụ | Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. |
Nhãn hiệu cho sản phẩm mà cá nhân, tổ chức đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất | Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó. |
Nhãn hiệu tập thể | Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể. |
Nhãn hiệu chứng nhận | Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. |
3. Tại sao cần thiết phải đăng ký nhãn hiệu?
Thực tế, không hiếm việc các nhãn hiệu có tên tuổi bị sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng. Điều này không chỉ làm tổn hại đến kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng.
Do đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Sau đây là một số lợi ích khi đăng ký nhãn hiệu:
(1) - Xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu
Khi đăng ký nhãn hiệu thành công và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo hộ đối với quyền sử dụng nhãn hiệu đó. Không một cá nhân, tổ chức nào có quyền sử dụng nhãn hiệu tương tự nhãn hiệu đó.
(2) - Bảo vệ nhãn hiệu khỏi hành vi xâm phạm của tổ chức, cá nhân khác
Việc đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu của doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo hộ trước mọi hành vi xâm phạm của tổ chức, cá nhân khác.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, nếu không có sự cho phép của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì các cá nhân, tổ chức khác không được quyền thực hiện các hành vi sau đây:
- Dùng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ được đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
- Dùng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ được đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.
- Dùng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ được đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc.
- Dùng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, nếu sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc ấn tượng sai lệch về quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
(3) - Tăng độ nhận diện nhãn hiệu với khách hàng
Đăng ký nhãn hiệu là một phương thức giúp công bố nhãn hiệu của doanh nghiệp tới công chúng. Khi nhãn hiệu đăng ký bảo hộ được công bố, một bộ phận lớn khách hàng sẽ được tiếp cận với nhãn hiệu. Nhờ đó, khách hàng có thể nhận diện được nhãn hiệu của doanh nghiệp với những nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức khác.
(4) - Khai thác các lợi ích thương mại từ nhãn hiệu được bảo hộ
Sau khi đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể khai được lợi ích thương mại từ nhãn hiệu của mình như: Sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của mình; chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu nhãn hiệu... Cá nhân, tổ chức khác chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó khi có sự cho phép của doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu đó.