Đăng ký kiểu dáng công nghiệp: Hồ sơ, thủ tục như thế nào?

Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là biện pháp quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, từ đó tăng sức cạnh tranh và ngăn chặn hành vi xâm phạm sản phẩm của mình.

1. Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Căn cứ mục 1, mục 4 Chương 1 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, sửa đổi bởi Thông tư 05/2013/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm:

- 02 Tờ khai yêu cầu cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp theo mẫu do Cục Sở hữu trí tuệ ban hành;

- 01 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp;

- 04 bộ ảnh chụp hoặc bộ ảnh vẽ kiểu dáng công nghiệp;

- Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Giấy chứng nhận quyền thừa kế; Giấy chứng nhận hoặc Thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn; Hợp đồng giao việc hoặc Hợp đồng lao động);

- Giấy uỷ quyền (nếu chủ đơn ủy quyền cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục);

- Bản sao đơn đầu tiên hoặc tài liệu chứng nhận trưng bày tại triển lãm, nếu trong đơn có yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế;

- Chứng từ nộp phí, lệ phí.

- Tài liệu xác nhận quyền sơ hữu kiểu dáng công nghiệp (nếu có).

dang ky kieu dang cong nghiep

2. Quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Quy trình, thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Xác định đối tượng cần đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Theo khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi , kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm.

Bước 2: Phân loại và tra cứu khả năng đăng ký kiểu dáng

Việc phân loại và tra cứu sẽ giúp chủ đơn đánh giá được khả năng đăng ký trước khi quyết định nộp đơn đăng ký. Cụ thể, điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bao gồm:

- Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới:

  • Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.

  • Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới so với chính nó. Theo đó trước khi kiểu dáng công nghiệp được nộp đơn đăng ký, chủ đơn không nên công bố kiểu dáng vì sẽ làm mất tính mới của chính nó.

- Kiểu dáng công nghiệp phải có tính sáng tạo:

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn... kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

- Kiểu dáng công nghiệp phải có khả năng áp dụng công nghiệp: Tức là khả năng dùng làm mẫu để chế tạo, sản xuất công nghiệp, hàng loạt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Sau khi tra cứu và kết luận kiểu dáng công nghiệp có khả năng đăng ký, chủ đơn sẽ tiến hành chuẩn bị hồ sơ đăng ký.

Bước 4: Nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ

Việc nộp đơn đăng ký sẽ được ưu tiên sớm nhất để tránh việc kiểu dáng bị mất tính mới và có ngày ưu tiên sớm nhất.

Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 02 Văn phòng đại diện của Cục tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

  • Cục Sở hữu trí tuệ: 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội;

  • Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 - 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh;

  • Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Bước 5: Thẩm định và cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp

Trường hợp Kiểu dáng công nghiệp đủ điều kiện bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo cấp văn bằng cho kiểu dáng, ngược lại Cục Sở hữu trí tuệ sẽ từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký.

(Căn cứ mục 4 Chương 1 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, sửa đổi bởi Thông tư 05/2013/TT-BKHCN, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN)

3. Chi phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Lệ phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC, sửa đổi bởi Thông tư 31/2020/TT-BTC như sau:

Đơn vị: đồng

Nội dung

Mức tiền

Lệ phí nộp đơn

150.000

Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ

120.000

Phí phân loại kiểu dáng công nghiệp

100.000

Phí thẩm định đơn

700.000 cho 01 đối tượng

Phí công bố đơn

120.000

Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi

60.000 đồng chô mỗi hình

Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định

480.000 cho 01 đối tượng

Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có)

600.000 cho 01 đơn ưu tiên

Nếu có nhu cầu tư vấn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, quý khách hàng vui lòng gọi ngay đến số 0938.36.1919 để được các chuyên viên pháp lý doanh nghiệp của LuatVietnam hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục