Công văn 199/TANDTC-PC kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Công văn 199/TANDTC-PC

Công văn 199/TANDTC-PC của Toà án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân tối caoSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:199/TANDTC-PCNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Công vănNgười ký:Nguyễn Văn Tiến
Ngày ban hành:18/12/2020Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Doanh nghiệp

tải Công văn 199/TANDTC-PC

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Công văn 199/TANDTC-PC DOC DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.pdf) Công văn 199/TANDTC-PC PDF
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

___________________

Số: 199/TANDTC-PC
V/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi:

 

- Các Tòa án nhân dân;
- Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

 

 

Ngày 27-7-2020, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức tập huấn trực tuyến để giải đáp một số vướng mắc trong quá trình giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp vướng mắc như sau:

1. Thế nào là "tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán" quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản thì "Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán."

Căn cứ vào quy định trên thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có khoản nợ cụ thể, rõ ràng do các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại, hoặc được xác định trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các bên không có tranh chấp về khoản nợ này.

- Khoản nợ đến hạn thanh toán.

Khoản nợ đến hạn thanh toán là khoản nợ đã được xác định rõ thời hạn thanh toán, mà đến thời hạn đó doanh nghiệp, hợp tác xã phải có nghĩa vụ trả nợ. Thời hạn thanh toán này được các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại hoặc trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán bao gồm 02 trường hợp:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã không có tài sản để thanh toán các khoản nợ;

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

Theo đó, “mất khả năng thanh toán” không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản để trả nợ; mặc dù doanh nghiệp, hợp tác xã còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho chủ nợ thì vẫn coi là doanh nghiệp, hợp tác xã "mất khả năng thanh toán".

Cần lưu ý: Pháp luật hiện hành không quy định một mức khoản nợ cụ thể nào để xác định là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà chỉ cần có đủ các điều kiện nêu trên.

2. Trường hợp người yêu cầu mở thủ tục phá sản không phải nộp tiền tạm ứng chi phí phá sản thì Tòa án sử dụng khoản tiền nào để chi trả cho cho các khoản chi phí khi tiến hành phá sản doanh nghiệp?

Theo quy định tại Điều 22 và khoản 2 Điều 23 Luật Phá sản thì người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 Luật Phá sản.

Khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản quy định người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Khoản 6 Điều 9, các điểm e, g khoản 1 Điều 16, khoản 3 Điều 23 Luật Phá sản quy định theo đề nghị của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì Thẩm phán có quyền quyết định giao cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán sau khi mở thủ tục phá sản để bảo đảm chi phí phá sản.

Từ các quy định nêu trên, trường hợp người yêu cầu mở thủ tục phá sản không phải nộp tiền tạm ứng chi phí phá sản thì Tòa án giao cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bán một số tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để bảo đảm chi phí phá sản.

Tuy nhiên, thực tiễn xảy ra vướng mắc như sau: Để thực hiện việc bán tài sản thì Quản tài viên phải thực hiện việc định giá tài sản, bán đấu giá tài sản. Vậy chi phí cho việc thực hiện các công việc này được lấy từ đâu?

Vấn đề này chưa được pháp luật quy định. Trong khi chờ sửa luật, các Tòa án có thể cân nhắc các giải pháp tạm thời như sau:

Thứ nhất, Tòa án có thể đề nghị tổ chức định giá tài sản, bán đấu giá tài sản thực hiện việc định giá tài sản, bán đấu giá tài sản trước. Sau khi bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp xong sẽ thanh toán chi phí định giá, bán đấu giá tài sản cho tổ chức định giá tài sản, bán đấu giá tài sản.

Thứ hai, Tòa án có thể phối hợp, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tạm ứng chi phí cho việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Sau khi bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã xong sẽ hoàn trả lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh số tiền đã tạm ứng.

3. Thẩm phán đã ra quyết định không mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có phải từ chối tham gia giải quyết phá sản đối với chính doanh nghiệp, hợp tác xã đó khi vụ việc phá sản được thụ lý lại không?

Thẩm phán đã ra quyết định không mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã trước đó không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Phá sảnđã tham gia ra quyết định tuyên bố phá sản đối với vụ việc phá sản đó” và cũng không thuộc trường hợp phải từ chối hoặc bị thay đổi khác theo quy định tại Điều 10 Luật Phá sản. Vì vậy, trường hợp này Thẩm phán không phải từ chối tham gia giải quyết vụ việc phá sản.

4. Trường hợp sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản mà thấy rằng số tiền tạm ứng chi phí phá sản do người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nộp không đủ thì Tòa án có yêu cầu người nộp đơn nộp bổ sung tiền tạm ứng chi phí phá sản nữa không?

“Tạm ứng chi phí phá sản là khoản tiền do Tòa án nhân dân quyết định để đăng báo, tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” (khoản 14 Điều 4 Luật Phá sản).

“Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật Phá sản.” (khoản 2 Điều 23 Luật Phá sản).

Như vậy, việc nộp tạm ứng chi phí phá sản là nghĩa vụ bắt buộc của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi họ nộp đơn và khoản tiền tạm ứng do Tòa án quyết định chỉ là dự tính ban đầu để có căn cứ cho người yêu cầu nộp (khoản 1 Điều 38 Luật Phá sản) trên cơ sở quy định tại Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16-02-2015 của Chính phủ về chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Do vậy, trong quá trình giải quyết phá sản nếu xét thấy phát sinh các chi phí tiếp theo để Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoạt động giải quyết phá sản thì Tòa án có quyền yêu cầu người nộp đơn phải tiếp tục nộp tạm ứng chi phí phá sản.

Nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không nộp bổ sung tạm ứng chi phí phá sản thì căn cứ vào các quy định tại điểm e khoản 1 Điều 16, khoản 6 Điều 9 và khoản 3 Điều 23 Luật Phá sản, Thẩm phán tự mình hoặc theo yêu cầu của Quản tài viên quyết định việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán sau khi mở thủ tục phá sản để bảo đảm chi phí phá sản và giao cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bán một số tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để bảo đảm trả đủ chi phí phá sản.

5. Theo quy định tại Điều 38 Luật Phá sản thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Tòa án nhân dân dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản và thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp tạm ứng chi phí phá sản. Căn cứ để Tòa án tính tạm ứng chi phí phá sản như thế nào?

"Tạm ứng chi phí phá sản là khoản tiền do Tòa án nhân dân quyết định để đăng báo, tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” (khoản 14 Điều 4 Luật Phá sản).

"... Tòa án nhân dân dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản..." (khoản 1 Điều 38 Luật Phá sản).

Như vậy, tùy từng vụ việc phá sản, Tòa án căn cứ mức thu lệ phí của Báo địa phương, thực tế tại địa phương về hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và trên cơ sở quy định tại Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16-02-2015 của Chính phủ về chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để quyết định số tiền tạm ứng chi phí phá sản, trong đó có khoản tiền tạm ứng ban đầu cho Quản tài viên.

6. Trường hợp bán một phần tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản thì khoản tiền đó được gửi vào tài khoản của Tòa án hay của Quản tài viên?

Pháp luật phá sản chưa quy định Tòa án sử dụng tài khoản nào để quản lý số tiền bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Luật Phá sản thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp tạm ứng chi phí phá sản, người yêu cầu phải “nộp tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do Tòa án nhân dân mở tại ngân hàng”. Vì vậy, áp dụng tương tự quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 khi bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản thì tiền bán tài sản được chuyển vào tài khoản do Tòa án mở theo điểm b khoản 2 Điều 38 nêu trên.

7. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Luật Phá sản thì tiền tạm ứng chi phí phá sản được nộp vào tài khoản do Tòa án nhân dân mở tại ngân hàng. Vậy Tòa án nhân dân mở một tài khoản chung dùng cho tất cả các vụ việc phá sản hay phải mở một tài khoản riêng cho từng vụ việc phá sản?

Sau khi được phân công giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và xem xét thấy đơn yêu cầu hợp lệ, Thẩm phán có thể quyết định mở một tài khoản riêng tại ngân hàng để quản lý các khoản tiền gửi vào (tiền tạm ứng chi phí phá sản, tiền bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã...) và quyết định việc rút tiền để thanh toán các chi phí như: chi phí Quản tài viên, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác phát sinh.

Như vậy, đối với mỗi vụ việc phá sản, Tòa án nên có một tài khoản riêng để dễ quản lý các chi phí liên quan đến từng vụ việc phá sản. Kết thúc vụ việc phá sản thì Tòa án phải đóng tài khoản đó.

8. Trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản chỉ nộp lệ phí phá sản mà không nộp tạm ứng chi phí phá sản thì phải giải quyết như thế nào?

Theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Luật Phá sản thì nộp lệ phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản là nghĩa vụ của người nộp đơn (trừ trường hợp họ không phải nộp). Điều 39 Luật Phá sản quy định: "Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản.”

Như vậy, việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản cho Tòa án là hai điều kiện bắt buộc để Tòa án thụ lý phá sản (Điều 39 Luật Phá sản).

Người nộp đơn yêu cầu thuộc trường hợp phải nộp lệ phí và tạm ứng chi phí phá sản mà họ chỉ nộp lệ phí phá sản mà không nộp tạm ứng chi phí phá sản, hoặc không nộp biên lai (chứng cứ khác) về việc nộp hai khoản trên thì Tòa án trả lại đơn cho họ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 35 Luật Phá sản.

9. Trường hợp “Quyết định mở thủ tục phá sản” bị Tòa án cấp trên hủy thì tiền tạm ứng chi phí phá sản có được hoàn trả lại cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Phá sản thì Tòa án quyết định việc hoàn trả tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Phá sản.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 42 Luật Phá sản, trường hợp Tòa án ra quyết định không mở thủ tục phá sản thì người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được trả lại tiền tạm ứng chi phí phá sản.

Việc quyết định mở thủ tục phá sản bị Tòa án cấp trên hủy đồng nghĩa với việc Tòa án đã quyết định không mở thủ tục phá sản. Do đó, trong trường hợp này người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được trả lại tiền tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp họ vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Phá sản.

Khi Tổ Thẩm phán giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản ra quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản thì phải xem xét, giải quyết luôn việc quyết định hoàn trả tiền tạm ứng chi phí phá sản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

10. Khi giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án có chấp nhận việc doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ hoặc con nợ mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ không?

Khoản 8 Điều 18 Luật Phá sản quy định quyền, nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản như sau: "Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình". Khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc chủ nợ, con nợ có đề nghị Tòa án để luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì Tòa án phải làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

11. Chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, người lao động, đại diện công đoàn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì có phải gửi kèm Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã hay không?

Người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo khoản 1, khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản chỉ phải nộp:

“Kèm theo đơn phải có chứng cứ chứng minh khoản nợ đến hạn” đối với chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần (khoản 2 Điều 26 Luật Phá sản).

“Kèm theo đơn phải có chứng cứ để chứng minh lương và các khoản nợ khác đến hạn” đối với người lao động, đại diện công đoàn (khoản 2 Điều 27 Luật Phá sản).

Do vậy, họ không bắt buộc phải gửi kèm Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã.

12. Trường hợp Tòa án đã thụ lý giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp nhưng trong quá trình giải quyết phá sản, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp vắng mặt (không có mặt tại địa phương) do doanh nghiệp đã dừng hoạt động từ lâu, chủ nợ cũng không biết họ ở đâu thì giải quyết như thế nào?

Khoản 2 Điều 16 Luật Phá sản quy định: Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 65 Luật Phá sản quy định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản sẽ chỉ định một người làm đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện công việc kiểm kê và xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Như vậy, trong quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã mà người đại diện theo pháp luật vắng mặt thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã đó hoặc chỉ định một người làm đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện công việc kiểm kê và xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

13. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang thi hành bản án, quyết định của Tòa án, trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án và tài sản bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã là tài sản của bên thứ ba (không phải là tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã). Vậy sau khi Tòa án thụ lý vụ việc phá sản/mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó thì Cơ quan thi hành án dân sự có phải tạm đình chỉ/đình chỉ thi hành án đối với tài sản bảo đảm của bên thứ ba hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Phá sản thì cơ quan thi hành án dân sự phải tạm đình chỉ thi hành án dân sự về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án, trừ bản án, quyết định buộc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc trả lương cho người lao động. Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải tạm đình chỉ thi hành án dân sự đối với tài sản bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã đó mà không phân biệt đó có phải là tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hay không.

Trường hợp nghĩa vụ phải thi hành án là tài sản của người thứ ba có liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì được giải quyết theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 và khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

14. Sau khi Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp giữ nguyên quyết định không mở thủ tục phá sản thì người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản lại đối với chính doanh nghiệp đó không? Nếu có thì sau bao lâu được nộp lại đơn?

Luật Phá sản không quy định cụ thể về trường hợp Tòa án cấp trên có quyết định giữ nguyên quyết định không mở thủ tục phá sản thì sau bao lâu người có quyền, nghĩa vụ được nộp lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Do đó, trong bất kỳ khoảng thời gian nào, nếu xác định doanh nghiệp, hợp tác xã đó bị mất khả năng thanh toán, người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được nộp lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với chính doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

Tùy từng trường hợp mà Tòa án xem xét đơn yêu cầu, các điều kiện khác theo quy định của Luật Phá sản để xử lý đơn, thụ lý đơn và quyết định việc mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Đối với trường hợp này, Tòa án cần tham khảo các tài liệu chứng cứ về hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã kể từ sau khi có quyết định của Tòa án cấp trên giữ nguyên quyết định không mở thủ tục phá sản như báo cáo thuế, báo cáo tài chính...

15. Theo quy định tại Điều 45 Luật Phá sản thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, sau khi được chỉ định, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản từ chối giải quyết vụ việc thì Thẩm phán xử lý như thế nào vì hiện nay chưa có quy định?

Khoản 1 Điều 46 Luật Phá sản quy định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có thể bị Thẩm phán quyết định thay đổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau: "c) Trường hợp bất khả kháng mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được nhiệm vụ".

Như vậy, khi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có đơn từ chối giải quyết vụ việc thì Thẩm phán xem xét, quyết định thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi xét thấy có căn cứ chứng minh thuộc trường hợp bất khả kháng mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được nhiệm vụ.

16. Trường hợp địa phương không có Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoặc Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản từ chối, địa phương không còn Quản tài viên nào khác thì Thẩm phán có được liên hệ với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản ở địa phương khác không?

Luật Phá sản chỉ quy định Thẩm phán có quyền chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản mà không giới hạn phạm vi hoạt động của hai chủ thể này. Do đó, Thẩm phán có quyền chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản ở địa phương khác.

17. Người nộp đơn được quyền đề nghị Thẩm phán chỉ định bao nhiêu Quản tài viên? Sau khi Thẩm phán đã ban hành quyết định chỉ định Quản tài viên, Quản tài viên này lại tiếp tục đề xuất Thẩm phán chỉ định thêm Quản tài viên có được không?

Khoản 3 Điều 26 Luật Phá sản quy định: "3. Trường hợp có đề xuất chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ghi rõ tên, địa chỉ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản". Như vậy, Luật Phá sản không quy định cụ thể số lượng Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được chỉ định để tham gia giải quyết vụ việc phá sản. Vì vậy, căn cứ vào quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, tính chất phức tạp của vụ việc phá sản, người nộp đơn, Quản tài viên có quyền đề xuất Thẩm phán chỉ định thêm Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

18. Trong quá trình xem xét, giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản thì có trường hợp Viện kiểm sát rút quyết định kháng nghị, người có đơn đề nghị xem xét lại quyết định rút đơn đề nghị xem xét lại đối với quyết định mở, không mở thủ tục phá sản. Khoản 7 Điều 44 Luật Phá sản không quy định thẩm quyền của Tổ Thẩm phán về đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu, kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; trường hợp này Tổ Thẩm phán phải ra quyết định nào?

Khoản 7 Điều 44 Luật Phá sản về giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản quy định như sau:

"... 7. Tổ Thẩm phán có quyền ra một trong các quyết định sau:

a) Giữ nguyên quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản;

b) Hủy quyết định không mở thủ tục phá sản và giao cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định không mở thủ tục phá sản xem xét ra quyết định mở thủ tục phá sản;

c) Hủy quyết định mở thủ tục phá sản và thông báo cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định mở thủ tục phá sản và những người tham gia thủ tục phá sản...”

Như vậy, trường hợp Viện kiểm sát quyết định rút kháng nghị, người yêu cầu rút đơn yêu cầu xem xét lại đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản thì Tổ Thẩm phán căn cứ vào quy định tại điểm a khoản 7 Điều 44 Luật Phá sản ra quyết định giữ nguyên Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

Trường hợp giữ nguyên Quyết định mở thủ tục phá sản thì Tổ Thẩm phán phải chuyển hồ sơ về cho Tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản để giải quyết phá sản theo thủ tục chung.

19. Trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản, Tòa án áp dụng quy định của Luật Phá sản hay Bộ luật Tố tụng dân sự để xem xét tuyên bố giao dịch vô hiệu?

Khoản 1 Điều 3 Luật Phá sản quy định Luật Phá sản được áp dụng khi giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 207 Luật Doanh nghiệp quy định việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản, Tòa án áp dụng quy định của Luật Phá sản để xem xét tuyên bố giao dịch vô hiệu.

20. Quyết định tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trong quá trình giải quyết phá sản có được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm của Bộ luật Tố tụng dân sự hay không?

Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 60 Luật Phá sản thì:

”3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bên giao kết với doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền làm đơn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân xem xét lại quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xem xét lại quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, Chánh án Tòa án nhân dân đã ra quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu phải ra một trong các quyết định sau:

a) Không chấp nhận đề nghị xem xét lại quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu;

b) Hủy bỏ quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trường hợp có tranh chấp thì được giải quyết theo quy định tại Chương X của Luật này”.

Do đó, Quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu được xem xét lại theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 60 Luật Phá sản mà không áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

21. Khi tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định của Luật Phá sản, Tòa án có phải giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu không và giải quyết như thế nào?

Điểm b khoản 1 Điều 60 Luật Phá sản quy định: "b) Tuyên bố giao dịch vô hiệu, hủy bỏ các biện pháp bảo đảm và giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu theo quy định của pháp luật."

Như vậy, khi tuyên bố giao dịch vô hiệu Tòa án phải giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu theo quy định của pháp luật, cụ thể Tòa án giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015.

22. Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Phá sản thì Hội nghị chủ nợ được tổ chức hợp lệ với số chủ nợ tham gia đại diện cho 51% tổng số nợ không có bảo đảm và 100% chủ nợ có mặt thống nhất tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Vậy Hội nghị chủ nợ có thông qua được Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ về việc tuyên bố doanh nghiệp phá sản không?

Khoản 2 Điều 81 Luật Phá sản quy định: "Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ được thông qua khi có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành". Vậy trường hợp này, Hội nghị chủ nợ được tổ chức hợp lệ thành công nhưng không thông qua được Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ và thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật Phá sản thì Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo quy định Điều 106 Luật Phá sản.

23. Trường hợp sau khi mở thủ tục phá sản mà người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu thì Tòa án có được đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 86 Luật Phá sản về đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản thì kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản. Như vậy, sau khi mở thủ tục phá sản mà người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu thì giải quyết như sau:

Trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ nợ duy nhất hoặc tất cả các chủ nợ đều thống nhất việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án xem xét quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 1 Điều 86 Luật Phá sản nếu có căn cứ xác định doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản đã thanh toán hết nợ cho tất cả các chủ nợ hoặc có thỏa thuận giữa các chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã về việc gia hạn trả nợ. Trường hợp này cần phải coi là doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán vì không còn khoản nợ đến hạn chưa thanh toán.

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã còn có những chủ nợ khác thì Tòa án căn cứ kết quả triệu tập Hội nghị chủ nợ, Nghị quyết Hội nghị chủ nợ để có cơ sở xác định doanh nghiệp, hợp tác xã có thực sự mất khả năng thanh toán hay không để quyết định theo Điều 86 Luật Phá sản.

24. Trường hợp doanh nghiệp có khoản nợ đến hạn mà không thanh toán cho chủ nợ trong thời hạn 03 tháng và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, Thẩm phán nhận thấy doanh nghiệp vẫn hoạt động kinh doanh tốt, có lợi nhuận thì có ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó không?

Việc doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tốt, có lợi nhuận không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã đó không mất khả năng thanh toán vì theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Như vậy, mặc dù doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhưng có khoản nợ đến hạn trong thời gian 03 tháng mà không trả nợ (mất khả năng thanh toán) thì Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 42 Luật Phá sản.

25. Chi phí phá sản có cần thiết phải nêu trong Quyết định tuyên bố phá sản không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 54, điểm h khoản 1 Điều 108 Luật Phá sản thì chi phí phá sản phải được nêu trong phần phương án phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản của Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, Thẩm phán không phải nêu cụ thể số tiền chi phí phá sản. Bởi lẽ, chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật. Sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản thì cơ quan thi hành án tiến hành việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Ở giai đoạn thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục phát sinh chi phí phá sản. Do đó, Tòa án không thể xác định được chính xác số tiền chi phí phá sản ở thời điểm ra quyết định tuyên bố phá sản.

26. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản phải trả nợ theo bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật nhưng bản án đó đã bị cấp giám đốc thẩm hủy và giao sơ thẩm xét xử lại thì có phải nhập vào vụ việc phá sản để giải quyết hay tách ra giải quyết bằng vụ án dân sự?

Trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm được giao giải quyết lại vụ án dân sự phải tạm đình chỉ, đình chỉ và chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án đang tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết theo quy định tại Điều 41 và Điều 71 Luật Phá sản.

27. Trong trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo mà một bên đương sự trong bản án này là doanh nghiệp, hợp tác xã đã bị Tòa án khác ra quyết định mở thủ tục phá sản thì Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục giải quyết kháng cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hay ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án để nhập vào vụ việc phá sản để giải quyết?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 41 và khoản 2 Điều 71 Luật Phá sản thì nếu vụ án dân sự đang được giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, nếu Tòa án cấp phúc thẩm đang giải quyết thì Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ.

Trường hợp vụ án dân sự có kháng cáo mà một trong các bên đương sự là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán đã được Tòa án khác ra quyết định mở thủ tục phá sản thì cần phân biệt doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án? Nếu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là nguyên đơn, bị đơn trong vụ án thì Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục tiến hành thụ lý vụ án dân sự trên. Sau đó, Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự đó để chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án đang tiến hành thủ tục phá sản để tiếp tục giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Phá sản.

Nếu đương sự là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bị yêu cầu tuyên bố phá sản thì theo nguyên tắc họ không phải là người trực tiếp bị kiện trong vụ án dân sự, việc xác định quyền và nghĩa vụ của họ đến đâu phụ thuộc vào tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn. Do vậy trường hợp này Tòa án vẫn giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục chung. Bản án có hiệu lực xác định quyền, nghĩa vụ của họ đến đâu thì phần đó sẽ được chuyển vào việc phá sản để giải quyết (lúc này thì người có quyền hoặc có nghĩa vụ sẽ trở thành chủ nợ hoặc con nợ trong vụ việc phá sản).

28. Trong quá trình thi hành quyết định tuyên bố phá sản mà phát sinh tranh chấp về tài sản của người tham gia thủ tục phá sản thì Tòa án giải quyết như thế nào? Có phải thụ lý thành một vụ án khác không?

Theo quy định tại Điều 115 Luật Phá sản thì trong quá trình thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà phát sinh tranh chấp thì người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị Tòa án nhân dân đã giải quyết vụ việc phá sản xem xét. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người tham gia thủ tục phá sản, Tòa án đã giải quyết vụ việc phá sản phải ra văn bản trả lời không chấp nhận đề nghị của người tham gia thủ tục phá sản hoặc chuyển đơn đến người có thẩm quyền để xem xét kháng nghị quyết định tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đồng ý với văn bản trả lời không chấp nhận đề nghị thì người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị quyết định tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật. Tòa án không phải thụ lý thành một vụ án khác.

29. Đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được Tòa án nhân dân thụ lý trước ngày Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực (01-01-2015) mà đang thực hiện thủ tục thanh lý tài sản thì có được ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của Luật Phá sản năm 2014 hay không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 131 Luật Phá sản năm 2014 thì "đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được Tòa án nhân dân thụ lý trước ngày Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực mà chưa ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì áp dụng quy định của Luật này để tiếp tục giải quyết".

Vậy trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã đang thực hiện thủ tục thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản năm 2004 thì Tòa án xem xét, quyết định việc ra quyết định tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó theo Luật Phá sản năm 2014.

30. Đối với vụ việc phá sản được thụ lý trước thời điểm Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực, Tổ Quản lý, thanh lý tài sản có tiếp tục được giải quyết vụ việc phá sản sau khi Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực hay không hay phải chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thay thế?

Điều 28 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16-02-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản quy định như sau:

“Điều 28. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được Tòa án nhân dân thụ lý trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 mà đã thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản số 21/2004/QH11, nếu đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 mà Tổ quản lý, thanh lý tài sản chưa thực hiện xong nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với vụ việc phá sản đó.

Trường hợp Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản chỉ định được Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản số 51/2014/QH13 và Nghị định này đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản nêu trên thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản chấm dứt hoạt động và bị giải thể theo quy định của Luật Phá sản số 21/2004/QH11. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản đối với vụ việc phá sản đó, trừ phần công việc mà Tổ quản lý, thanh lý tài sản đã thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phá sản số 21/2004/QH11. Kết quả công việc do Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện được công nhận và có giá trị sử dụng theo quy định của Luật Phá sản số 51/2014/QH13.

2. Đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được Tòa án nhân dân thụ lý trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 mà chưa thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản số 21/2004/QH11, đến ngày 01 tháng 01 năm 2015, Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản số 51/2014/QH13 và Nghị định này".

Như vậy, đối với trường hợp nêu trên, Tổ quản lý, thanh lý tài sản có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với vụ việc phá sản đó. Trường hợp Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản chỉ định được Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản năm 2014 và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản nêu trên thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản chấm dứt hoạt động và bị giải thể theo quy định của Luật Phá sản năm 2004. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản đối với vụ việc phá sản đó, trừ phần công việc mà Tổ quản lý, thanh lý tài sản đã thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phá sản năm 2004. Kết quả công việc do Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện được công nhận và có giá trị sử dụng theo quy định của Luật Phá sản năm 2014.

Trên đây là kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo để các Tòa án nghiên cứu, tham khảo trong quá trình giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền.

 

 Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Đồng chí Chánh án TANDTC (để b/c);
- Các đồng chí Phó Chánh án TANDTC;
- Các đồng chí Thẩm phán TANDTC;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT VP, Vụ PC&QLKH.

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Văn Tiến

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

tin liên quan

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi