Cổ phiếu có phải là tài sản không theo quy định hiện hành?

Cổ phiếu có phải là tài sản không là câu hỏi thường được đặt ra khi nhà đầu tư muốn bước chân vào thị trường chứng khoán. Vậy theo quy định, cổ phiếu có phải là tài sản không?

1. Cổ phiếu có phải là tài sản không?

Cổ phiếu là một loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu cổ phần của tổ chức phát hành. Mà chứng khoán là một loại tài sản bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… (theo khoản 1, khoản 2 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019). Như vậy, đương nhiên cổ phiếu cũng là một loại tài sản.

Cổ phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Người nắm giữ cổ phiếu sẽ trở thành cổ đông của công ty cổ phần đó.

Cổ phiếu có phải là tài sản không theo quy định hiện hành
Cổ phiếu có phải là tài sản không theo quy định hiện hành? (Ảnh minh họa)

2. Cổ phiếu có phải là giấy tờ có giá không?

Tài sản được định nghĩa theo kiểu liệt kê theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Theo đó, cố phiểu được xếp vào loại tài sản là giấy tờ có giá.

Căn cứ Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản như sau:

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Mặt khác căn cứ điểm c khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 có quy định về các loại giấy tờ có giá bao gồm:

[…]

c) Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;

[…]

Căn cứ các quy định trên thì cổ phiếu là tài sản và được xem là một loại giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật.

Cổ phiếu là giấy tờ có giá
Cổ phiếu là giấy tờ có giá (Ảnh minh họa)

Cổ phiếu phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau theo khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Số lượng cổ phần và loại cổ phần;

c) Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;

d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;

đ) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;

e) Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;

g) Nội dung khác theo quy định tại các điều 116, 117 và 118 của Luật này đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.

3. Một số câu hỏi thường gặp về cổ phiếu?

3.1. Làm thế nào để mua bán được cổ phiếu?

Trước tiên, phải mở tài khoản ở công ty chứng khoán, sau đó có thể giao dịch mua bán cổ phiếu thông qua các kênh: đặt lệnh trên máy tính cá nhân/trên thiết bị di động/nhân viên quản lý tài khoản/tổng đài.

3.2. Làm sao để biết cổ phiếu tăng hay giảm giá?

Giá tham chiếu của một cổ phiếu là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó. Nói cách khác, giá đóng cửa của cổ phiếu trong phiên giao dịch hôm nay chính là giá tham chiếu của cổ phiếu đó trong phiên giao dịch ngày mai.

Khi kết thúc một phiên giao dịch hàng ngày (bắt đầu từ 9h00 tới 14h45), giá một cổ phiếu lúc đóng cửa vào cuối phiên giao dịch sẽ xảy ra một trong ba trường hợp sau:

  1. Cổ phiếu tăng giá so với giá tham chiếu (giá xanh)

  2. Cổ phiếu giảm giá so với giá tham chiếu (giá đỏ)

  3. Giá cổ phiếu không thay đổi (vẫn là giá tham chiếu - giá vàng).

3.3. Phí giao dịch chứng khoán là bao nhiêu?

Phí giao dịch chứng khoán (giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu…) là loại phí phải trả khi nhà đầu tư thực hiện các giao dịch mua bán cổ phiếu... Thông tư 102/2021/TT-BTC quy định phí giao dịch chứng khoán tối đa 0,45% giá trị giao dịch, thực tế, phí giao dịch hiện dao động trong khoảng 0,1 - 0,35% giá trị giao dịch.

Thông thường, các giao dịch có giá trị càng lớn, phí giao dịch sẽ càng thấp, tương tự với các khách hàng thân thiết, khách hàng quan trọng...

Ngoài ra, khi giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư còn phải chịu thêm các loại phí khác như phí mở tài khoản, phí sử dụng ứng dụng, phí ứng trước tiền bán chứng khoán, phí giao dịch ngoài sàn, phí dịch vụ tin nhắn SMS...

Trên đây là giải đáp về: Cổ phiếu có phải là tài sản không? Nếu cần hỗ trợ bất kỳ vấn đề nào liên quan, vui lòng gọi ngay tới số 0938.36.1919 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Vốn hóa là gì? Cách tính vốn hóa chuẩn nhất hiện nay

Vốn hóa là gì? Cách tính vốn hóa chuẩn nhất hiện nay

Vốn hóa là gì? Cách tính vốn hóa chuẩn nhất hiện nay

Vốn hóa là thuật ngữ phổ biến được sử dụng trong báo cáo tài chính. Để hiểu rõ hơn vốn hóa là gì? Cách tính cũng như ý nghĩa của vốn hóa đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp kiến thức hữu ích xoay quanh chủ đề này, xin mời các độc giả cùng đón đọc!