Cổ phiếu là một trong những công cụ tài chính được sử dụng để đầu tư và giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu cổ phiếu có phải là hàng hóa không?
1. Cổ phiếu có phải là hàng hóa không?
Cổ phiếu được xem là một loại hàng hóa có thể trao đổi, mua, bán trong thị trường chứng khoán.
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005, hàng hóa gồm tất cả các loại động sản (kể cả động sản hình thành trong tương lai) và những vật gắn liền với đất đai.
Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa:
1. Bất động sản bao gồm:
a) Đất đai;
b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 4 Luật Giá năm 2012 nêu rõ, hàng hóa là tài sản có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường, có khả năng thỏa mãn nhu cầu của con người, bao gồm các loại động sản và bất động sản.
Mà cổ phiếu là một loại tài sản được giao dịch trên thị trường chứng khoán - nơi diễn ra các giao dịch của các loại chứng khoán được phát hành và tiến hành trao đổi gồm người mua, người bán và người trung gian nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi các loại chứng khoán, phục vụ cho nhu cầu của con người cũng như nền kinh tế.
Có thể thấy, bản chất của thị trường chứng khoán là nơi mua bán, chuyển nhượng hàng hóa, trong đó là loại hàng hóa đặc biệt bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký…
Căn cứ vào các quy định nêu trên, có thể khẳng định, cổ phiếu được xem là một loại hàng hóa được giao dịch trên thị trường chứng khoán.
2. Giá trị cổ phiếu khi được mua đi bán lại gọi là gì?
Thị giá cổ phiếu (giá cổ phiểu) hiểu đơn giản là giá của cổ phiếu tại một thời điểm nhất định cũng chính là số tiền mà nhà đầu tư phải trả để mua một loại cổ phiếu tại thời điểm giao dịch.
Giá cổ phiếu là yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư quan tâm khi quyết định mua, bán cổ phiếu. Giá cổ phiếu biến động hàng ngày và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau:
Thị trường và kinh tế
Khi thị trường và kinh tế ổn định sẽ là môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, giá cổ phiếu thường có xu hướng tăng. Và ngược lại, khi nền kinh tế bị khủng hoảng, biến động các doanh nghiệp ít nhiều sẽ gặp khó khăn, làm giảm lợi nhuận và giá cổ phiếu.
Quy luật cung cầu
Cổ phiếu là hàng hóa nên đương nhiên chịu sự ảnh hưởng của quy luật cung - cầu. Khi doanh nghiệp phát triển, nhu cầu tăng nhà đầu tư mua cổ phiếu với kỳ vọng thu lại lợi nhuận cao. Ngược lại, nếu doanh nghiệp làm ăn không tốt sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư khiến cho cổ phiếu bán ra với số lượng lớn làm giá giảm mạnh.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp
Một công ty có hiệu quả kinh doanh tốt, đang phát triển sẽ mang lại lợi nhuận, cổ tức cho nhà đầu tư. Ngược lại, nếu doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ lòng tin của nhà đầu tư bị mất dần.
Tâm lý nhà đầu tư
Tâm lý nhà đầu tư ảnh hưởng nhiều đến quyết định mua bán, giao dịch cổ phiếu. Trường hợp thông tin doanh nghiệp thua lỗ, các nhà đầu tư mất lòng tin dẫn đến bán tháo khiến mức giá cổ phiếu giảm mạnh.
3. Giá tham chiếu, giá trần, giá sàn cổ phiếu là gì?
Giá tham chiếu, giá trần, giá sàn cổ phiếu là những thuật ngữ phải làm quen khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Vậy cụ thể Giá tham chiếu, giá trần, giá sàn cổ phiếu là gì?
Cụ thể, giá tham chiếu ở các sàn giao dịch sẽ khác nhau:
Tại sàn HOSE và HNX: Giá tại thời điểm đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó.
Tại sàn Upcom: Mức bình quân gia quyền của giá giao dịch lô chẵn thực hiện theo phương pháp khớp lệnh liên tục trong ngày giao dịch gần nhất trước đó.
Giá sàn là mức giá thấp nhất hay mức giá kịch sàn mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua/bán trong ngày giao dịch. Cách tính giá sàn như sau: Giá sàn = Giá tham chiếu x (100% - Biên độ dao động)
Giá trần là mức giá cao nhất hay mức giá kịch trần mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua/bán trong ngày giao dịch. Cách tính giá trần như sau: Giá trần = Giá tham chiếu x (100% + Biên độ dao động).
Trên đây là một số thông tin liên quan về: Cổ phiếu có phải là hàng hóa không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng gọi ngay đến 0938.36.1919 để LuatVietnam hỗ trợ kịp thời.