Cổ đông có được thế chấp cổ phần để vay tiền không?

Việc sở hữu cổ phần của công ty mang lại cho cổ đông những quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong đó, nhiều cổ đông băn khoăn có được thể chấp có phần để vay tiền hay không?


Cổ đông có được thế chấp cổ phần?

Để biết cổ đông có được thế chấp cổ phần hay không cần xem xét 02 yếu tố sau:

- Cổ phần có phải là tài sản?

- Khi nào cổ đông được thế chấp cổ phần?

Cụ thể:

* Cổ phần là tài sản

Căn cứ Điều 105 và Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015, cổ phần là tài sản (được thể hiện bằng cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó).

Theo Điều 295 Bộ luật Dân sự 2015, cổ phần là tài sản và là đối tượng trong các giao dịch bảo đảm.

* Cổ đông được quyền thế chấp cổ phần

Căn cứ khoản 1 Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần (theo khoản 3 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020) và có các quyền của chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Như vậy, cổ đông được phép thế chấp cổ phần để bảo đảm các nghĩa vụ, trong đó thể thế chấp để vay tiền.

Khi thế chấp, bên thế chấp không giao tài sản cho bên nhận thế chấp, cổ phần vẫn thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp và tổ chức, cá nhân đó vẫn có các quyền và nghĩa vụ trong công ty cổ phần (theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015).


Xử lý tài sản thế chấp

Bên nhận thế chấp có thể nhận cổ phần để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ của bên thế chấp trong trường hợp đến hạn nhưng bên thế chấp không thanh toán đủ số tiền vay thông qua việc xử lý tài sản thế chấp.

Khoản 1 Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 quy định phương thức xử lý tài sản thế chấp như sau:

1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

a) Bán đấu giá tài sản;

b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

d) Phương thức khác.

2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác

Việc xử lý tài sản bảo đảm khi thế chấp là cổ phần chính là thủ tục chuyển nhượng cổ phần theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.

* Thủ tục chuyển nhượng cổ phần

Khi phải tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, cổ phần thế chấp được xử lý cụ thể như sau:

- Trường hợp chuyển nhượng cổ phần theo hình thức giao dịch trên thị trường chứng khoán: Trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán (Nội dung này sẽ được LuatVietNam cập nhật chi tiết sau).

- Trường hợp chuyển nhượng cổ phần theo quy định của pháp luật doanh nghiệp:

+ Nếu chuyển nhượng cổ phần trong nội bộ doanh nghiệp, các cổ đông chỉ cần soạn thảo và ký kết hợp đồng chuyển nhượng, tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần (khoản 1 Điều 16 Nghị định 108/2018/NĐ-CP).

+ Nếu chuyển nhượng cổ phần cho người ngoài không phải cổ đông sáng lập, sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Co duoc the chap co phanCó được thế chấp cổ phần? (Ảnh minh hoạ)

Xem thêm: Cập nhật: Thủ tục chuyển nhượng cổ phần 2020 mới nhất


Các trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần

Theo điểm d khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật Doanh nghiệp 2020.

Cụ thể trong các trường hợp sau:

- Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại Hội đồng cổ đông (theo khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020).

Lưu ý: Nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông, cổ đông vẫn có quyền chuyển nhượng cổ phần sang cho bên nhận thế chấp.

- Điều lệ công ty có hạn chế chuyển nhượng (khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020).

Như vậy, nếu Điều lệ công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông không cho phép chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 thì không thể tiến hành việc xử lý tài sản bảo đảm, dẫn đến giao dịch thế chấp cổ phần vô hiệu.

Để tránh rủi ro này, bên nhận thế chấp cần chú ý những điểm sau:

- Đảm bảo Điều lệ công ty của bên thế chấp không cấm chuyển nhượng cổ phần.

- Cần phải được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông trước khi nhận thế chấp cổ phần.

Như vây, cổ đông có được thế chấp cổ phần để vay tiền. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, bên nhận thế chấp cần phải xem xét liệu giao dịch thế chấp giữa họ có thuộc trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần.

>> Phân biệt cổ phần, cổ phiếu, cổ tức, cổ đông trong công ty cổ phần

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Để được kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Vậy doanh nghiệp cần sử dụng mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá nào theo quy định hiện hành?